TS Nguyễn Đức Kiên: ‘Doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu phát triển theo hướng mì ăn liền’

Lê Nguyễn - 05/10/2018 15:12 (GMT+7)

(VNF) – TS Nguyên Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế.

VNF
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo ông Kiên, sự hạn chế của kinh tế tư nhân, ngoài yếu tố thuộc về quản lý nhà nước thì nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được 5 thành tố quyết định của doanh nghiệp gồm: chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực.

“Không ít doanh nghiệp Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng ‘mì ăn liền’, muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn”, ông nói.

Vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra rằng dù có ưu thế về giải quyết việc làm hơn các khối kinh tế khác, nhưng đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân trong nguồn thu ngân sách vẫn còn hạn chế. Rất ít các doanh nghiệp thuộc loại tỷ USD của Việt Nam đi lên từ ứng dụng khoa học công nghệ mà chủ yếu là từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc có gắn với kinh doanh bất động sản.

Theo ông Kiên, mục tiêu của Việt Nam từ nay đến năm 2030 là xây dựng công nghiệp hoá theo hướng hiện đại, tức là sẽ phải xoá dần ranh giới ngay từ khâu truyền thông về doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, chỉ còn là doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.

Thế nhưng một thực tế không kém phần bức xúc là dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. “Tới nay vẫn còn có sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác”, ông nhấn mạnh.

Để giải quyết tốt mối quan hệ của tam giác phát triển gồm tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường, ông Kiên cho rằng điều đó đòi hỏi cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nhân tư nhân phải có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho đồng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững.

“Đây là những nhiệm vụ hết sức nặng nề đặt ra cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả tư nhân trong nước và tư nhân nước ngoài hoạt động trên đất nước Việt Nam. Điều này đòi hỏi xây dựng một đội ngũ doanh nhân vừa có năng lực quản trị tiên tiến, tiếp thu được thành quả của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên thế giới, nhưng đồng thời phải hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân”.

Chia sẻ thêm về định hướng chính sách đối với kinh tế tư nhân, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết trong 9 tháng năm 2018 có 93.000 doanh nghiệp thành lập nhưng có 74.000 đóng cửa.

Ông nhấn mạnh: “Vấn đề ở đây là quyền tài sản lớn hơn nhiều so với quyền kinh doanh, vấn đề thứ 2 là hợp đồng kinh doanh. Cho nên khi đảo ngược Luật Đầu tư sắp tới cần thận trọng. Trò chơi phải có nền tảng, cam kết hội nhập, kết nối doanh nghiệp với các tập đoàn FDI và sáng tạo không phân biệt doanh nghiệp lớn nhỏ.

“Chính sách điều tiết phải phù hợp với cuộc cách mạng nghệ tại Việt Nam. Trong đó, quyền sở hữu trí tuệ khó mấy cũng phải làm. Hệ sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ và startup đã nói nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là startup. Bản chất vấn đề là kỹ năng quản trị cho đội ngũ, cần có cố vấn đã có kinh nghiệm va chạm và các quỹ đầu tư.

“Hiện nay, các ‘ông lớn’ cũng đã dần chuyển sang xu hướng mới. Tuy nhiên, việc hỗ trợ chưa cao và nếu muốn phát triển tốt thì nhà nước phải biết đặt công nghệ lên hàng đầu”, ông Thành nói thêm.

Cùng chuyên mục
Tin khác