Từ vụ truy nã ông chủ Nhật Cường Mobile, điểm mặt những tội phạm kinh tế 'trốn' nhưng không 'thoát'
Hoàng Lan -
20/05/2019 07:50 (GMT+7)
(VNF) - Trước Bùi Quang Huy, đã có nhiều tội phạm kinh tế bỏ trốn trước khi bị khởi tố hòng thoát tội. Thậm chí, có người đã trốn được 5 năm và có cuộc sống xa hoa ở nước ngoài bằng tiền tham ô nhưng cuối cùng đều bị bắt và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi phạm tội của mình.
Như VietnamFinance đã thông tin, chiều 19/5, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an ra quyết định truy nã đối với Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (chủ sở hữu thương hiệu Nhật Cường Mobile).
Bùi Quang Huy bị khởi tố hôm 14/5 với tội danh “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 188 và điều 221 Bộ luật Hình sự.
Theo Bộ Công an, Bùi Quang Huy đã bỏ trốn từ ngày 9/5. Trước khi trốn, chỗ ở của Huy là phòng W2107&08, chung cư Golden WestLake, 151 Thụy Khuê, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Trước Bùi Quang Huy, đã có nhiều tội phạm kinh tế bỏ trốn trước khi bị khởi tố hòng thoát tội.
Giang Kim Đạt 'sa lưới' sau 5 năm trốn nã
Giang Kim Đạt sinh năm 1977 tại Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình, nguyên Trưởng phòng kinh doanh Công ty vận tải viễn dương (Vinashinlines) tham ô hàng trăm tỷ đồng, từng bỏ trốn sang Singapore và sống sung túc trong thời gian bị truy nã, cuối cùng cũng bị bắt và chịu án tử hình về hành vi phạm tội của mình.
Theo cáo trạng, từ năm 2006 đến 2008, Giang Kim Đạt lợi dụng chức vụ quyền Trưởng phòng Kinh doanh, đã chiếm đoạt gần 256 tỷ đồng từ chênh lệch mua bán tàu, chênh lệch gửi giá cước cho thuê tàu.
Ngày 20/6/2008, Giang Kim Đạt chấm dứt hợp đồng lao động với Vinashinlines và có ý định cùng gia đình bỏ trốn ra nước ngoài. Ban đầu, Giang Kim Đạt có kế hoạch định cư tại Canada.
Sau đó, Đạt biết tin Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vinashin. Sợ bị bắt, Đạt nảy ý định bỏ trốn sang Campuchia trước để tìm cách tiếp tục tẩu thoát.
Ngày 23/8/2010, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố, truy nã bị can với Giang Kim Đạt và ngày 8/11/2010 gửi thông báo truy nã đến Interpol.
Trong quá trình chạy trốn, Giang Kim Đạt được một đối tượng giúp sức là Thái Thị Hồng Điệp.
Với sự sắp xếp của Điệp và các đồng phạm, Giang Kim Đạt đã sang được Campuchia bằng đường tiểu ngạch tại khu vực biên giới thuộc TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Từ Campuchia, Giang Kim Đạt sử dụng hộ chiếu giả mang tên Bùi Đức Thắng với vỏ bọc là đại diện văn phòng Công ty Khánh Nguyên tại Campuchia. Công ty này do Thái Thị Hồng Điệp mua lại, thực tế không hoạt động.
Từ Campuchia, Giang Kim Đạt đã bỏ trốn sang Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác. Thậm chí, tại Singapore, Giang Kim Đạt đã sống trong căn hộ cao cấp trị giá 3,6 triệu USD
Đến ngày 7/7, sau 1.825 ngày đêm truy bắt, Cơ quan An ninh Điều tra đã bắt được Giang Kim Đạt.
Sau khi bị bắt, Giang Kim Đạt bị tòa án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên và y án tử hình về Tham ô tài sản. Các đối tượng giúp Giang Kim Đạt bỏ trốn đều phải chịu những bản án nghiêm khắc từ pháp luật, trong đó nặng nhất là Thái Thị Hồng Điệp bị 8 năm tù giam.
Cựu Đại tá công an lên kế hoạch tẩu thoát cho Dương Chí Dũng
Ông Dương Chí Dũng - Nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines đã bị Toà án Nhân dân tối cao tuyên án tử hình và buộc phải bồi thường 110 tỷ đồng vào ngày 7/5/2014 vì sai phạm xảy ra tại Vinalines gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước.
Trước khi bị khởi tố, ông này đã bỏ trốn nhưng không ‘thoát’. Người giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn không ai khác chính là em trai ruột Dương Tự Trọng, khi đó đang là Đại tá, Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng.
2 anh em Dương Chí Dũng (trái) và Dương Tự Trọng (phải)
Sau khi bỏ trốn không thành, trước toà, Dương Chí Dũng khai chiều 17/5/2012 “được một người quen thông báo sẽ bị khởi tố” trong vụ Vinalines. Ngay sau khi được báo tin, Dương Chí Dũng đã gọi điện thoại cho em trai là Dương Tự Trọng. Lập tức, một phương án trốn chạy được cựu đại tá công an lên kế hoạch, với sự giúp sức của Vũ Tiến Sơn (sinh năm 1966, cựu Phó phòng Cảnh sát Hình sự - Công an Hải Phòng) và giang hồ cộm cán Trần Văn Dũng (còn gọi Dũng "Bắc Kạn", sinh năm 1968, nguyên quán Bắc Kạn, ở xã An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng).
Dư luận cho rằng Dũng "Bắc Kạn" được tin dùng là do những kinh nghiệm qua lại khu vực biên giới như đi chợ của tay giang hồ này. Dũng “Bắc Kạn” từng có tiền án về tội buôn lậu năm 1996.
Nhóm này thống nhất sẽ đưa Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia, qua Singarore rồi đến Mỹ. Với bổn phận của mình, Dũng "Bắc Kạn" được giao đảm bảo cho cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines trốn thoát an toàn, đúng kế hoạch.
Trong 2 ngày 22 và 23/5/2012, ông Dương Chí Dũng được Dũng “Bắc Kạn” đưa sang Campuchia qua đường tiểu ngạch rồi tiếp tục di chuyển qua Singapore nhằm quá cảnh sang Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch thất bại do phía Mỹ không tiếp nhận.
Cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam đành ngậm ngùi trở về Campuchia để lánh nạn. Nhận thấy bế tắc, Dương Tự Trọng tiếp tục phải sử dụng đến các mối quan hệ giang hồ của Dũng "Bắc Kạn" để thu xếp chỗ ăn ở cho anh trai ở đất Campuchia. Đến ngày 4/9/2012, cuộc chạy trốn kết thúc. Dương Chí Dũng bị cơ quan điều tra Campuchia kết hợp cùng Việt Nam bắt giữ, đưa về Việt Nam.
Kết cục, Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình và buộc phải bồi thường 110 tỷ đồng. Những người giúp sức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn đều bị khởi tố và nhận những bản án nghiêm khắc.
Trịnh Xuân Thanh đầu thú sau gần 10 tháng bị truy nã quốc tế
Đầu năm 2016, cái tên Trịnh Xuân Thanh thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Lúc đó, Trịnh Xuân Thanh là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, sử dụng xe Lexus tư gắn biển số xanh khiến dư luận bức xúc.
Ngày 9/6/2016, Văn phòng Trung ương Đảng ngày có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc yêu cầu nhanh chóng kiểm tra, kết luận vụ "xe tư nhân gắn biển số xanh", coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư. Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo, các cơ quan trung ương đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ những vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh.
Khi sự việc được sáng tỏ, dư luận càng bất ngờ khi ông Trịnh Xuân Thanh sau khi lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, đã liên tiếp được được luân chuyển, giữ nhiều các chức vụ quan trọng của Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang.
Năm 2013, ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương; rồi Vụ trưởng - Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ. Đến tháng 5/2015, ông Thanh luân chuyển và được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.Ba tháng sau khi có ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty PVC và các đơn vị thành viên.
Đáng chú ý, trước khi bị Bộ Công an ra Quyết định khởi tố, thực hiện Lệnh bắt tạm giam thì Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã bỏ trốn. Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 31/7, thông tin từ Bộ Công an cho biết bị can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú sau gần 10 tháng bị truy nã quốc tế.
Cuối cùng, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên 2 án chung thân với Trịnh Xuân Thanh vì những sai phạm xảy ra tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty Bất động sản Điện lực Dầu khí (PVP Land). Trịnh Xuân Thanh cũng bị yêu cầu bồi thường thiệt hại cho những thất thoát đã gây ra với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
14 ngày chạy trốn của Vũ ‘nhôm’
Phan Văn Anh Vũ còn gọi là Vũ ‘nhôm’, sinh năm 1975, là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 và là cổ đông của nhiều công ty khác.
Vũ ‘nhôm’ bị khởi tố về các tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (thâu tóm hàng loạt công sản tại Đà Nẵng) và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (vụ Ngân hàng Đông Á).
Tối 21/12/2017, lực lượng của Bộ Công an khám xét nhà riêng của Vũ "nhôm" tại số 82 Trần Quốc Toản (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Thời điểm này, Phan Văn Anh Vũ đột nhiên mất tích.
Ngày 22/12/2017, Bộ Công an phối hợp với Công an Đà Nẵng công bố Quyết định khởi tố bị can ký ngày 20/12 đối với Phan Văn Anh Vũ. Cùng ngày, Bộ Công an cũng công bố truy nã ông Vũ sau khi xác định bị can không có mặt tại nơi cư trú, không biết bị can đang ở đâu.
Ngày 2/1/2018, Cơ quan Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) xác nhận tạm giữ người mang tên 'Phan Van Anh Vu' từ ngày 28/12 vì “vi phạm quy định Luật Xuất nhập cảnh”. Thông tin được trang web chính thức của ICA đưa chiều 2/1.
Thông cáo của Bộ Nội vụ Singapore cho biết ông 'Phan Van Anh Vu' nhập cảnh vào Singapore bằng một hộ chiếu Việt Nam với danh tính giả. Phan Văn Anh Vũ cũng sở hữu một hộ chiếu Việt Nam khác mang tên thật và từng dùng cả 2 hộ chiếu này để nhập cảnh Singapore. Ngoài ra, ‘Phan Van Anh Vu' còn sở hữu một hộ chiếu thứ ba. Trong lần nhập cảnh mới nhất vào Singapore cũng như các lần trước, ông 'Phan' đã khai báo sai sự thật với Cục Xuất nhập cảnh và Cửa khẩu Singapore (ICA)".
ICA đã hủy "visit pass" của 'Phan Van Anh Vu' đồng thời trục xuất khỏi Singapore theo thẩm quyền.
Chiều ngày 4/1/2018, chuyến bay Vietnam Airlines từ Singapore về Hà Nội chở Phan Văn Anh Vũ hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, kết thúc hành trình trốn chạy kéo dài 14 ngày của Vũ ‘nhôm’.
Lê Quang Hiếu Hùng bị dẫn độ từ Cuba
Gần đây nhất, vào ngày 9/3, Cơ quan Điều tra hình sự các Tổ chức sự nghiệp Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) đã phối hợp với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an), Văn phòng Interpol Việt Nam và tổ chức Interpol quốc tế dẫn độ thành công đối tượng Lê Quang Hiếu Hùng từ Cộng hòa Cuba về Việt Nam.
Lê Quang Hiếu Hùng sinh ngày 16/10/1974, công nhân viên quốc phòng Chi nhánh Đầu tư xây dựng Miền Nam, Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) là bị can bị truy nã quốc tế trong vụ án “Giả mạo trong công tác; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; sản xuất, buôn bán hàng giả” đã bị Cơ quan Điều tra hình sự các Tổ chức sự nghiệp Bộ Quốc phòng ra quyết định khởi tố ngày 21/10/2018.
Sau khi bị khởi tố, đối tượng Lê Quang Hiếu Hùng đã bỏ trốn ra nước ngoài, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã đề nghị Văn phòng Interpol Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế.
Trong quá trình lẩn trốn, đối tượng Lê Quang Hiếu Hùng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tạo vỏ bọc, thường xuyên di chuyển, thay đổi chỗ ở nhằm tránh bị các lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt.
Việc bắt giữ và dẫn độ thành công đối tượng truy nã quốc tế Lê Quang Hiếu Hùng cho thấy không có vùng cấm đối với các hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone