Tuần đầu năm mới 2023, Ngân hàng Nhà nước hút ròng hơn 97.267 tỷ đồng
Mạnh Hà -
09/01/2023 07:28 (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút mạnh tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng trong tuần đầu năm mới 2023 giữa lúc lo ngại tỷ giá USD/VND gia tăng trước tín hiệu từ Mỹ và bất chấp lãi suất qua đêm đã tăng nhanh trở lại.
Dồn dập hút tiền
Trong phiên giao dịch ngày 6/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục sử dụng lại công cụ tín phiếu hút mạnh tổng cộng gần 25.000 tỷ đồng trên thị trường mở với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 5,5%/năm.
NHNN tiếp tục phải hút tiền về với lãi suất khá cao tuần thứ 2 liên tiếp, từ 5,3%-6%/năm cho kỳ hạn 7 ngày, so với mức 3,98%-4,39% cũng cho kỳ hạn 7 ngày trong tuần 19-23/12.
Tổng cộng trong tuần 3-6/1, NHNN đã hút về gần 77.350 tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng, qua đó giảm bớt thanh khoản trên thị trường này.
Ở chiều ngược lại, trong tuần 3-6/1, NHNN duy trì bơm tiền qua hợp đồng repo giấy tờ có giá kỳ hạn ngắn (7 ngày) nhưng với tổng giá trị thấp hơn chiều bơm tiền. Trong cả 4 phiên giao dịch (nghỉ 1 phiên ngày Thứ Hai), NHNN bơm ra thị trường tổng cộng hơn 21.988 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng trong tuần từ 3-6/1, NHNN ghi nhận 5 hợp đồng repo đáo hạn, với tổng trị giá hơn 41.905 tỷ đồng.
Như vậy, trong tuần từ 3-6/1 NHNN đã hút ròng từ thị trường gần 97.267 tỷ đồng.
Đây là thuần thứ 3 liên tiếp, NHNN hút ròng mạnh tiền từ hệ thống về. Trong tuần cuối năm 2022 - từ 26-30/12 NHNN đã hút ròng từ thị trường hơn 102.633 tỷ đồng. Trong tuần trước đó, từ 19-23/12 NHNN đã hút ròng từ thị trường gần 94.034 tỷ đồng.
Trong 2 tuần cuối năm 2022 NHNN hút mạnh tiền trong bối cảnh hệ thống ngân hàng có dấu hiệu dư thừa thanh khoản. Lãi suất cho vay qua đêm tụt giảm mạnh, từ mức 5-6% trước đó về quanh mức 2,8-4%/năm.
Còn trong tuần đầu năm mới 2023, lãi suất qua đêm đã tăng trở lại về trên ngưỡng 5%/năm, và cao hơn lãi suất qua đêm tại Mỹ. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá có dấu hiệu tăng trở lại. Và đây có thể là yếu tố khiến NHNN tiếp tục duy trì hút ròng tiền.
Áp lực tỷ giá còn lớn
Giữa tuần 2-6/1, đồng USD bất ngờ tăng vọt lên đỉnh cao 4 tháng. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới tăng vọt trước và sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản họp cuộc họp tháng 12/2022, có lúc lên trên 105,6 điểm.
Đồng USD tăng vọt hôm 3/1 trước khi Fed công bố biên bản do Fed trước đó nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì xu hướng tăng lãi suất để giảm lạm phát.
Hôm 5/11, USD tiếp tục tăng khi biên bản ghi nhận rủi ro lạm phát vẫn là mấu chốt của việc quyết định chính sách và không có quan chức nào mong đợi năm 2023 Fed sẽ có cắt giảm lãi suất.
Đây cũng là tuần NHNN khá thận trọng. Hôm 6/1, lần đầu tiên sau 3 tuần, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm thêm 1 đồng lên 23.605 đồng/USD (tương đương mức giá sàn và trần tương ứng là: 22.425 đồng và 24.785 đồng/USD).
Trước đó, NHNN đã kiểm soát được tỷ giá và liên tục có 16 lần giảm tỷ giá trung tâm từ 23.693 đồng/USD hôm 4/11/2022 về dần 23.658 đồng/USD hôm 6/12/2022. NHNN sau đó tăng 1 phiên hôm 7/12 sau đó tiếp tục giảm 18 phiên sau đó xuống 23.603 đồng/USD hôm 5/1/2023.
Hiện tại, NHTW các nước trên thế giới vẫn theo dõi sát sao tín hiệu chính sách từ Fed và biến động của đồng USD.
Một điều đáng mừng là đồng USD trên thế giới trong phiên cuối tuần (sáng 7/1 giờ Việt Nam) đã quay đầu giảm mạnh. Một cuộc khảo sát cho thấy lạm phát của Mỹ có thể đang hạ nhiệt. Bên cạnh đó, việc tiền lương tăng chậm và chỉ số quản lý mua hàng PMI phi sản xuất của ISM thu hẹp trong tháng 12 đã khiến nhiều người tin tưởng Fed sẽ khó tiếp tục “diều hầu” trong chính sách tiền tệ.
Nhiều dự báo cho rằng, Fed sẽ hạ lãi suất trong năm nay (thay vì sang năm 2024) và lãi suất sẽ đạt đỉnh 4,98% vào tháng 6, thay vì mức 5,5% như dự báo trước đó.
Chỉ số DXY sáng 7/1 (giờ Việt Nam) giảm nhanh từ mức 105,6 điểm phiên trước đó xuống còn 103,9 điểm.
Trong nước, ngay trong tuần đầu năm mới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cảnh báo tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo. Đây là tín hiệu năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm chính sách tiền tệ thận trọng và thắt chặt.
Một số công ty chứng khoán đưa ra dự báo, NHNN có khả năng tăng lãi suất điều hành thêm 100-150 điểm phần trăm cho tới giữa 2023, nhằm hỗ trợ sức mạnh đồng VND.
Tỷ giá USD/VND trong nước tại Vietcombank vẫn diến biến tích cực, theo chiều hướng giá USD đi xuống. Kể từ 25/10, tỷ giá USD/VND đã giảm 5,1% từ mức 24.888 đồng/USD xuống còn 23.630 đồng/USD.
Tính tới ngày 6/1, so với đầu năm 2022, chỉ số DXY tăng 8,07%. Tuy nhiên, USD chỉ tăng hơn 3,1% so với đồng VND.
Trên thị trường tự do, USD giảm mạnh từ mức đỉnh 25.500 đồng/USD (giá bán) hôm 1/11 về gần 23.680 đồng/USD hôm 5/1, tương đương giảm 7,1%.
Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản trên hệ thống bớt dồi dào trong tuần qua, lãi suất qua đêm tăng trở lại, từ mức 2,81% hôm 29/12 lên 5,09% hôm 6/1, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh 8,44% ghi nhận hôm 5/10/2022.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6-9 tháng ở mức 9,61%-11,12%/năm.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone