Túi Hermes, giày Dior sẽ là ‘mục tiêu trả đũa’ tiếp theo của Trung Quốc?
(VNF) - Cổ phiếu của các nhãn hàng xa xỉ châu Âu đã giảm do các nhà đầu tư lo ngại rằng túi xách Hermes và giày cao gót Dior có thể là mục tiêu trả đũa tiếp theo của Trung Quốc, sau khi xe điện của nước này lĩnh đòn thuế quan của Liên minh châu Âu (EU).
Cho đến nay, các động thái của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại "ăn miếng trả miếng" đang diễn ra với EU đã nhắm vào rượu mạnh, thịt lợn và sữa, tất cả đều là những ngành công nghiệp chính của Pháp, nước đã vận động hành lang để áp thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất nhập khẩu vào EU.
Cổ phiếu của LVMH, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như rượu cognac Hennessy cao cấp, Hermes, Kering, Ferragamo và Burberry, đã giảm 2%- 6% vào ngày 8/10 sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu.
Ông Jacques Roizen, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Trung Quốc tại Digital Luxury Group, cho biết việc nhắm mục tiêu vào hàng xa xỉ tại Trung Quốc sẽ đi ngược lại với các chính sách luôn có lợi cho các công ty hàng xa xỉ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi Bắc Kinh mong muốn duy trì chi tiêu xa xỉ nhiều hơn, thay vì chứng kiến người tiêu dùng chi tiêu mạnh tay ở các thị trường nước ngoài.
Ông chỉ ra ví dụ về Hải Nam, nơi đã được xây dựng thành một trung tâm miễn thuế lớn chủ yếu là do các nhà hoạch định chính sách thừa nhận rằng chi tiêu xa xỉ ở Trung Quốc là tốt cho đất nước.
"Khi doanh số bán hàng xa xỉ được ghi nhận tại Trung Quốc, điều đó có nghĩa là doanh thu thuế sẽ cao hơn và điều đó rất đáng kể", ông Jacques nhận định.
"Nếu có một môi trường tài chính mới buộc các thương hiệu xa xỉ phải tăng giá tại Trung Quốc, điều này sẽ tạo thêm động lực cho người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu xa xỉ bên ngoài Trung Quốc, điều này trái ngược với mong muốn của chính phủ", vị chuyên gia nhấn mạnh thêm.
Theo bà Jelena Sokolova, chuyên gia phân tích vốn chủ sở hữu cấp cao tại Morningstar, quy mô thị trường xa xỉ của Trung Quốc, ngay cả khi xét đến sự suy thoái gần đây, dự kiến sẽ chiếm 25% tổng thị trường toàn cầu trong năm nay.
Bà cho biết điều này giúp giải thích phản ứng của các cổ phiếu xa xỉ châu Âu trước mọi thông báo từ Trung Quốc, nhưng cũng có nghĩa là ngay cả mối đe dọa áp thuế hoặc tăng thuế tiêu dùng trong nước đối với hàng xa xỉ nhập khẩu cũng sẽ ảnh hưởng đến các tập đoàn xa xỉ của Pháp.
Doanh thu các lô hàng rượu mạnh của Pháp đến Trung Quốc đã đạt 1,7 tỷ USD vào năm ngoái và chiếm 99% lượng rượu mạnh nhập khẩu của nước này, trong khi 11 tỷ euro (12 tỷ USD) hàng xa xỉ của châu Âu đã được nhập khẩu vào Trung Quốc trong cùng năm.
Quy mô của ngành hàng xa xỉ có thể khiến Bắc Kinh ít có khả năng nhắm đến ngành này hơn, theo ông Albert Hu, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - châu Âu tại Thượng Hải.
"Tôi nghĩ rằng tại thời điểm này, cả EU và Trung Quốc đều không muốn một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể gây tổn hại đến cả hai nền kinh tế", ông nói, đồng thời nhận định thêm rằng việc Trung Quốc dàn dựng tương đối cẩn thận các mục tiêu trả đũa cho đến nay cho thấy Bắc Kinh rất muốn tiếp tục đàm phán và hướng tới một sự thỏa hiệp với EU.
Bản chất của ngành hàng xa xỉ cũng khiến Trung Quốc khó có thể đưa ra những tuyên bố hợp lý về việc bán phá giá. "Về mặt logic, rất khó để biện minh rằng có lý do để bán phá giá những chiếc túi xách trị giá 2.000 USD", bà Sokolova cho hay.
Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 8/10 cho hay Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU bắt đầu từ tuần này, nhắm vào các thương hiệu từ Hennessy đến Remy Martin.
Hai hãng rượu nổi tiếng của Pháp là Hennessy và Remy Martin nằm trong số những thương hiệu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi các nhà nhập khẩu phải trả tiền đặt cọc lần lượt là 39,0% và 38,1%.
Động thái cứng rắn của Trung Quốc diễn ra vài ngày sau khi EU thúc đẩy việc áp dụng mức thuế quan cố định lên tới 45% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất vào cuối tuần trước. Mức thuế bổ sung, có thể lên tới 35%, sẽ được áp dụng ngoài mức thuế 10% hiện tại.
Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố ngày 4/10 rằng Trung Quốc “rất không hài lòng” với việc EU áp dụng thuế chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc, đồng thời gọi đây là hành động bảo hộ “không công bằng, không tuân thủ và vô lý”.
10 nước EU đã bỏ phiếu ủng hộ việc áp thuế, bao gồm Hà Lan, Ý và Ba Lan, cũng được cho là có nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa nhiều hơn. Trong khi đó, Đức và Hungary nằm trong số 5 nước bỏ phiếu chống lại việc áp thuế.
Trung Quốc lập tức ra đòn trả đũa sau khi EU ‘xuống tay’ với xe điện
- Siêu bão Milton tàn phá Florida, 3 triệu người chìm trong bóng tối 11/10/2024 02:53
- Nga sẽ tăng 'thuế xuất cảnh' của công ty nước ngoài từ 15% lên 35% 11/10/2024 01:23
- Elon Musk trình làng taxi tự lái, đã tụt hậu với đối thủ Trung Quốc? 11/10/2024 10:31
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.