Trung Quốc lập tức ra đòn trả đũa sau khi EU ‘xuống tay’ với xe điện

Minh Đăng - 08/10/2024 16:27 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 8/10 cho hay Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu từ tuần này, nhắm vào các thương hiệu từ Hennessy đến Remy Martin, sau khi khối 27 quốc gia này bỏ phiếu áp thuế đối với xe điện (EV) do Trung Quốc sản xuất.

Theo đó, các viên chức hải quan Trung Quốc sẽ thu tiền đặt cọc an ninh từ các công ty bán rượu mạnh có nguồn gốc từ EU bắt đầu từ ngày 11/10. Số tiền đặt cọc sẽ nằm trong khoảng từ 30,6% đến 39% tổng giá trị nhập khẩu, thông báo cho biết.

Quyết định này đảo ngược phán quyết sơ bộ vào cuối tháng 8, khi Trung Quốc tuyên bố không có kế hoạch áp thuế chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu của EU, mặc dù cuộc điều tra vào đầu năm nay kết luận rằng các nhà sản xuất rượu ở EU đã bán phá giá từ 30,6% đến 39% tại thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ dân, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước.

Khách hàng mua rượu mạnh trong Hội chợ thương mại quốc tế mùa đông Trung Quốc (Hải Nam) lần thứ 26 về sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới tại Trung tâm triển lãm và hội nghị quốc tế Hải Nam vào ngày 17/12/2023 tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Visual China Group/Getty Images)

Động thái này chủ yếu nhắm vào các thương hiệu rượu cognac cao cấp của Pháp, sau khi Paris được coi là bên ủng hộ chính cho cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu (EC) về xe điện Trung Quốc và bỏ phiếu ủng hộ việc áp thuế đối với xe điện trong cuộc bỏ phiếu vào cuối tuần trước. Nước này cũng chiếm 99% lượng rượu mạnh nhập khẩu của Trung Quốc vào năm ngoái, với lượng rượu mạnh Pháp xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD.

Hai hãng rượu nổi tiếng của Pháp là Hennessy và Remy Martin nằm trong số những thương hiệu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi các nhà nhập khẩu phải trả tiền đặt cọc lần lượt là 39,0% và 38,1%.

Ngành rượu mạnh đã nhiều lần cảnh báo rằng họ không nên trở thành con tin của căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và EU.

Các khoản tiền gửi sẽ khiến việc nhập khẩu rượu mạnh từ EU tốn kém hơn ngay từ đầu. Hiện vẫn chưa rõ các nhà nhập khẩu sẽ có thể lấy lại tiền gửi của mình như thế nào và khi nào. Bộ thương mại Trung Quốc không đưa ra thông tin chi tiết.

Các ngành nông nghiệp khác ở châu Âu, như sữa và thịt lợn, cũng lo ngại về các biện pháp tương tự.

Cũng trong thông báo ngày 8/10, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thịt lợn của EU vẫn đang được tiến hành và sẽ đưa ra quyết định "khách quan và công bằng" khi kết thúc cuộc điều tra.

Bộ này cho biết thêm rằng họ đang cân nhắc tăng thuế nhập khẩu xe có động cơ lớn. Thuế cao hơn sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nhà sản xuất của Đức, với kim ngạch xuất khẩu xe có động cơ 2,5 lít trở lên của Đức sang Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD vào năm ngoái.

Động thái cứng rắn của Trung Quốc diễn ra vài ngày sau khi EU thúc đẩy việc áp dụng mức thuế quan cố định lên tới 45% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất vào cuối tuần trước. Mức thuế bổ sung, có thể lên tới 35%, sẽ được áp dụng ngoài mức thuế 10% hiện tại.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố ngày 4/10 rằng Trung Quốc “rất không hài lòng” với việc EU áp dụng thuế chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc, đồng thời gọi đây là hành động bảo hộ “không công bằng, không tuân thủ và vô lý”.

10 nước EU đã bỏ phiếu ủng hộ việc áp thuế, bao gồm Hà Lan, Ý và Ba Lan, cũng được cho là có nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa nhiều hơn. Trong khi đó, Đức và Hungary nằm trong số 5 nước bỏ phiếu chống lại việc áp thuế.

Ngày 4/10, EU đã nhất trí áp thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu của Trung Quốc. Mức thuế mới này sẽ có hiệu lực từ 31/10 trừ khi Trung Quốc đưa ra giải pháp chấm dứt bế tắc.

Theo đó, mức thuế áp dụng đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc lần lượt là 17% với BYD, 18,8% cho xe của Geely và 35,3% với xe SAIC. Geely sở hữu các thương hiệu như Polestar và Volvo của Thụy Điển, trong khi SAIC sở hữu MG của Anh, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu.

Các nhà sản xuất xe điện khác tại Trung Quốc, bao gồm các công ty phương Tây như Volkswagen và BMW, sẽ phải chịu mức thuế 20,7%. Riêng hãng xe điện Tesla của Mỹ được Ủy ban châu Âu (EC) áp mức thuế riêng là 7,8%.

Các mức mới này được áp thêm trên mức thuế hiện hành là 10%. Điều này có nghĩa là trên thực tế, một số nhà sản xuất ôtô Trung Quốc sẽ sớm phải đối mặt với tổng mức thuế trên 45%.

Ủy ban châu Âu cho biết họ sẵn sàng tiếp tục đàm phán để tìm ra giải pháp thay thế, ngay cả sau khi áp dụng thuế quan

Theo Reuters, CNBC
Công nghiệp ô tô phương Tây mắc kẹt trong ‘cuộc chiến sống còn’ với Trung Quốc

Công nghiệp ô tô phương Tây mắc kẹt trong ‘cuộc chiến sống còn’ với Trung Quốc

Tài chính quốc tế
(VNF) - Ngành công nghiệp ô tô phương Tây hiện đang bị mắc kẹt trong một "cuộc chiến sinh tồn" quan trọng với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, theo những nhận định gần đây của CEO Mercedes-Benz và Ford.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.