EU quyết giáng đòn lên xe điện Trung Quốc, châm ngòi ‘cuộc chiến thương mại’?
(VNF) - Ủy ban châu Âu (EC) ngày 4/10 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục áp dụng mức thuế quan cao đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, ngay cả sau khi Đức - nền kinh tế lớn nhất của khối, đã từ chối áp dụng mức thuế này, làm lộ rạn nứt trong mâu thuẫn thương mại lớn nhất với Bắc Kinh trong một thập kỷ.
- 'Bản án tử' de dọa xe điện Trung Quốc tại Mỹ 24/09/2024 10:43
Lập trường cứng rắn
Trong cuộc bỏ phiếu quan trọng diễn ra vào ngày 4/10, 10 thành viên EU đã ủng hộ thuế quan, 5 thành viên bỏ phiếu chống và 12 thành viên bỏ phiếu trắng, các nguồn tin từ EU cho biết.
Theo các quy tắc của EU, EC có thể áp dụng thuế quan trong 5 năm tới trừ khi đa số đủ điều kiện của 15 quốc gia EU đại diện cho 65% dân số EU bỏ phiếu chống lại kế hoạch này.
Các quan chức và nguồn tin tại các quốc gia đồng thuận trước đó nói với Reuters rằng Pháp, Hy Lạp, Ý và Ba Lan sẽ bỏ phiếu thuận. Các nước này đại diện cho khoảng 39% dân số EU.
Các nguồn thạp tin khác cho biết vào ngày 4/10 rằng nền kinh tế lớn nhất và cũng là nhà sản xuất ô tô lớn nhất khu vực là Đức đã bỏ phiếu chống lại đề xuất này.
Cơ quan điều hành EU cho biết họ đã nhận được "sự hỗ trợ cần thiết" để áp dụng mức thuế quan lên tới 45% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. Mức thuế này sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô phải tốn thêm hàng tỷ USD để đưa ô tô vào khối và sẽ có hiệu lực từ tháng tới trong vòng 5 năm.
EC, cơ quan giám sát chính sách thương mại của khối, cho biết họ sẽ phản đối những gì họ coi là trợ cấp không công bằng của Trung Quốc sau cuộc điều tra chống trợ cấp kéo dài một năm, nhưng họ cũng cho biết rằng họ sẽ tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh.
Theo ông Noah Barkin, cố vấn cấp cao tại Rhodium Group, đây là chiến thắng lớn của EU sau áp lực lớn từ Đức và Trung Quốc, đồng thời củng cố vị thế của EU trong các cuộc đàm phán, mặc dù cơ hội đạt được thỏa thuận là rất mong manh.
"Rủi ro là Bắc Kinh cảm thấy cần phải đáp trả các mức thuế bằng các biện pháp trả đũa của riêng mình, điều này sẽ làm mất đi cơ hội đạt được giải pháp đàm phán", ông Barkin nhận định.
Lập trường của EU đối với Bắc Kinh đã cứng rắn hơn trong 5 năm qua. EU coi Trung Quốc là đối tác tiềm năng trong một số lĩnh vực, nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh hàng đầu.
Ủy ban cho biết năng lực sản xuất dự phòng của Trung Quốc là 3 triệu xe điện mỗi năm gấp đôi quy mô của thị trường EU. Với mức thuế 100% tại Mỹ và Canada, đầu ra rõ ràng nhất cho những chiếc xe điện này là châu Âu.
Là một phần của các cuộc đàm phán liên tục với Trung Quốc, EC có thể xem xét lại cam kết về giá, bao gồm giá nhập khẩu tối thiểu và thường là giới hạn khối lượng.
Một ví dụ điển hình là Volvo Cars, công ty này phần lớn do Geely của Trung Quốc sở hữu. Công ty này hy vọng sẽ tránh được mức thuế quan cao khi nhập khẩu xe điện do Trung Quốc sản xuất bằng cách đạt được thỏa thuận về giá.
Thuế quan của EU dao động từ 7,8% đối với Tesla đến 35,3% cho SAIC và các công ty khác được cho là không hợp tác với cuộc điều tra của EU. Các mức thuế này được áp dụng ngoài mức thuế nhập khẩu tiêu chuẩn 10% của EU đối với ô tô.
Châm ngòi cuộc chiến thương mại?
Cuộc bỏ phiếu phản ánh sự chia rẽ về quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc. Một số quốc gia muốn có lập trường cứng rắn chống lại những gì họ coi là trợ cấp nhà nước quá mức và lưu tâm đến việc EU không áp thuế đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc cách đây một thập kỷ. Trung Quốc chiếm hơn 90% thị phần quang điện của EU.
Các nước khác thì muốn khuyến khích đầu tư của Trung Quốc hoặc lo sợ một cuộc chiến tranh thương mại ăn miếng trả miếng xảy ra.
Cổ phiếu của hãng sản xuất ô tô châu Âu Renault và Volkswagen đã tăng với hy vọng mức thuế quan sẽ giúp họ cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc ngay tại sân nhà khi nhu cầu toàn cầu đang giảm.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong nước ngày càng lo ngại rằng thuế quan sẽ thúc đẩy các công ty Trung Quốc đẩy nhanh kế hoạch xây dựng năng lực sản xuất trong khu vực.
Trong động thái được coi là trả đũa, năm nay Bắc Kinh đã tiến hành điều tra riêng đối với việc nhập khẩu rượu mạnh, sữa và các sản phẩm từ thịt lợn của EU. Các nhà sản xuất rượu cognac và thịt lợn châu Âu đang tỏ ta lo ngại.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã thảo luận về việc tăng thuế nhập khẩu đối với các loại xe chạy bằng xăng có động cơ lớn, điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nhà sản xuất xe Đức.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với các mức thuế quan theo kế hoạch của EU, gọi chúng là "không công bằng, không tuân thủ và vô lý", vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đã đệ đơn kiện lên WTO.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 3/10, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết EU đang hướng tới một "cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế" với Trung Quốc.
Đối với người tiêu dùng, mức thuế quan có thể khiến giá xe điện tăng cao, làm suy yếu mục tiêu trung hòa carbon của EU vào năm 2050.
Nhóm vận động Giao thông & Môi trường cho biết EU không nên trì hoãn mục tiêu giảm CO2 năm 2025 như một số nhà sản xuất ô tô mong muốn, vì điều này sẽ khiến hoạt động sản xuất xe điện của EU bị đình trệ.
"EU có nguy cơ phải chịu hậu quả tồi tệ nhất nếu trì hoãn mục tiêu giảm CO2 vào năm 2025 trong khi hạn chế các mẫu xe giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc", báo cáo của nhóm cho hay.
EU bỏ phiếu áp thuế xe điện Trung Quốc: Sợ 'nguy hiểm', Hungary sẽ phủ quyết
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.