'Bản án tử' de dọa xe điện Trung Quốc tại Mỹ

Minh Đăng - 24/09/2024 10:43 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Thương mại Mỹ đã đề xuất lệnh cấm bán hoặc nhập khẩu các loại xe thông minh sử dụng công nghệ cụ thể của Trung Quốc hoặc Nga vì lo ngại về an ninh quốc gia, một động thái sẽ thực sự ngăn chặn gần như toàn bộ ô tô Trung Quốc xâm nhập thị trường Mỹ.

Đề xuất lệnh cấm mới

Sau khi chính thức tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào đầu tháng này, chính phủ Mỹ đang trở nên nghiêm túc hơn trong việc chặn nhập khẩu ô tô do Trung Quốc sản xuất.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết cuộc điều tra của chính phủ Mỹ bắt đầu vào tháng 2 đã phát hiện ra một loạt rủi ro an ninh quốc gia từ phần mềm và phần cứng từ Trung Quốc và Nga trong các phương tiện của Mỹ, bao gồm khả năng tin tặc phá hoại từ xa và dữ liệu cá nhân của người lái xe bị thu thập.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (Ảnh: Elizabeth Frantz/Reuters)

Bà cho biết: “Trong những tình huống cực đoan, đối thủ nước ngoài có thể tắt máy hoặc kiểm soát tất cả các phương tiện đang hoạt động tại Mỹ cùng một lúc, gây ra tai nạn (hoặc) chặn đường”.

Quy định này sẽ không áp dụng cho những chiếc xe đã cài đặt phần mềm Trung Quốc đang lưu thông, một quan chức chính quyền cấp cao nói với CNN. Theo Bộ Thương mại, lệnh cấm phần mềm sẽ có hiệu lực đối với những chiếc xe "sản xuất năm 2027 và lệnh cấm phần cứng đối với xe sản xuất năm 2030".

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết động thái này là cần thiết vì lý do an ninh quốc gia bởi công nghệ đóng vai trò trọng tâm đối với những chiếc xe ngày càng tinh vi ngày nay.

Khi công bố lệnh cấm được đề xuất, Bộ trưởng Thương mại Raimondo đã đề cập tới camera, micrô và thiết bị GPS được kết nối internet của xe. Bà cho biết: "Không cần phải tưởng tượng nhiều để hiểu được cách một đối thủ nước ngoài có quyền truy cập vào thông tin này có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho cả an ninh quốc gia và quyền riêng tư của công dân Mỹ".

Nếu được hoàn thiện, quy định mới sẽ chỉ áp dụng cho phần cứng và phần mềm ô tô có khả năng nhận hoặc xử lý thông tin liên lạc tần số vô tuyến và phần mềm tích hợp vào hệ thống lái xe tự động của xe, Bộ Thương mại cho biết.

Quy định này sẽ không áp dụng cho các bộ phận "thụ động" của ô tô, bao gồm cả chốt và nắp nhựa.

Quy định này hiện sẽ chuyển sang giai đoạn lấy ý kiến ​​công chúng và Bộ Thương mại có thể sẽ hoàn thiện trước khi Tổng thống Joe Biden rời nhiệm sở vào đầu năm 2025.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 23/9, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Lael Brainard nêu rõ: "Người Mỹ nên lái bất kỳ loại xe nào họ chọn - dù là xe chạy bằng xăng, xe hybrid hay xe điện. Nhưng nếu họ chọn lái xe điện, chúng tôi muốn đảm bảo rằng xe được sản xuất tại Mỹ chứ không phải tại Trung Quốc".

“Bản án tử hình” với xe điện Trung Quốc

Động thái của chính phủ Mỹ diễn ra khi Trung Quốc đã tăng đáng kể số lượng xe giá rẻ, đặc biệt là xe điện, mà nước này sản xuất và bán ra nước ngoài.

Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng hơn 30% chỉ trong nửa đầu năm nay, gióng lên hồi chuông cảnh báo ở châu Âu và Mỹ, nơi các quan chức lo ngại rằng xe Trung Quốc sản xuất giá rẻ có thể lấn át ngành công nghiệp trong nước.

Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng hơn 30% chỉ trong nửa đầu năm nay(Ảnh: Getty Images)

Mỹ và châu Âu đã có động thái khiến Trung Quốc khó bán ô tô của mình hơn và đắt hơn ở những khu vực đó, nhưng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã phản ứng bằng cách thành lập các cơ sở sản xuất ở Đông Âu, châu Phi và Mexico. Những khu vực này được cho là có thể tạo ra một lỗ hổng để cho phép nhiều xe do Trung Quốc thiết kế và chế tạo hơn vào các thị trường phương Tây.

Tuy nhiên, quy định được đề xuất tập trung vào vấn đề an ninh hơn là cạnh tranh. Bởi vì quy định này sẽ áp dụng cho bất kỳ phương tiện kết nối nào, không chỉ xe điện, nên nó sẽ tạo ra lệnh cấm thậm chí còn nghiêm ngặt hơn đối với công nghệ ô tô do Trung Quốc sản xuất.

"Nếu mức thuế 100% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc là một bức tường, thì lệnh cấm được đề xuất đối với xe kết nối sẽ là bản án tử hình đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang muốn thâm nhập vào Mỹ", ông Lei Xing - cựu Tổng biên tập China Auto Review cho hay.

Theo dề xuất mới, ông cho rằng triển vọng nhìn thấy xe điện Trung Quốc được bán tại Mỹ trong thập kỷ tới là "gần như bằng không".

Các công ty công nghệ và ô tô Trung Quốc, bao gồm Huawei, Tencent, Baidu, BYD và Geely, đã đầu tư mạnh vào việc phát triển phần mềm và phần cứng riêng cho xe tự lái. Nhưng cho đến nay, hầu hết các sản phẩm này đều được sử dụng trên những chiếc xe được bán tại thị trường Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ đã sử dụng logic tương tự để đẩy lùi sự xâm nhập của công nghệ Trung Quốc khác vào Mỹ. Năm 2022, họ đã cấm phê duyệt một số thiết bị từ các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE, cũng viện dẫn các lo ngại về an ninh quốc gia.

Mùa xuân năm nay, Tổng thống Joe Biden đã ký một đạo luật buộc công ty mẹ của TikTok, công ty Trung Quốc ByteDance, phải thoái vốn khỏi ứng dụng truyền thông xã hội này hoặc phải đối mặt với lệnh cấm. TikTok đã thách thức luật này tại tòa án.

Theo CNN, Wired
‘BYD vẫn có xe điện rẻ nhất tại Mỹ dù bị áp thuế 100%’

‘BYD vẫn có xe điện rẻ nhất tại Mỹ dù bị áp thuế 100%’

Tài chính quốc tế
(VNF) - Theo Giám đốc điều hành của AutoForecast Solutions, ông Joe McCabe, “gã khồng lồ” BYD của Trung Quốc vẫn sẽ là hãng xe điện giá rẻ nhất tại Mỹ ngay cả khi bị áp mức thuế mới 100%.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.