‘BYD vẫn có xe điện rẻ nhất tại Mỹ dù bị áp thuế 100%’

Hải Đăng - 18/09/2024 13:15 (GMT+7)

(VNF) - Theo Giám đốc điều hành của AutoForecast Solutions, ông Joe McCabe, “gã khồng lồ” BYD của Trung Quốc vẫn sẽ là hãng xe điện giá rẻ nhất tại Mỹ ngay cả khi bị áp mức thuế mới 100%.

Sau khi ngừng sản xuất các loại xe chạy hoàn toàn bằng động cơ đốt trong vào tháng 3/2022, BYD đã đi đầu trong việc chuyển đổi sang xe điện.

Tuy nhiên, trước đó BYD đã dành khoảng thời gian dài để xây dựng chuỗi cung ứng của mình. Công ty bắt đầu sản xuất pin lithium-ion vào năm 1996. Pin của BYD cung cấp năng lượng cho điện thoại thông minh phổ biến của Motorola và Nokia vào đầu những năm 2000.

Trong giai đoạn từ tháng 1-8 năm nay, BYD đã bán được 2.328.449 xe NEV, tăng 29,92% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những dự án đầu tiên tham gia vào ngành công nghiệp pin đã giúp BYD trở thành "gã khổng lồ trong ngành" như ngày nay.

Kể từ khi ra mắt pin đột phá Blade EV vào năm 2020, BYD đã tiếp tục giới thiệu công nghệ hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn để giảm giá thành.

Chiếc xe điện rẻ nhất của BYD là Seagull EV có giá khởi điểm dưới 10.000 USD tại Trung Quốc. Các mẫu xe điện và hybrid giá cả phải chăng của hãng đang đẩy các loại xe chạy bằng xăng ra khỏi thị trường ô tô Trung Quốc, đặc biệt là từ các hãng sản xuất ô tô nước ngoài.

Theo bà Stella Li, CEO của BYD tại khu vực Bắc Mỹ, BYD không có kế hoạch thâm nhập thị trường xe con của Mỹ dù công ty đã bán xe buýt điện tại đây. Dù vậy, các chuyên gia nhận định rằng nếu BYD có ý định bán xe con tại thị trường Mỹ, công ty có thể nắm giữ lợi thế so với các nhà sản xuất ô tô bản địa.

Theo Giám đốc điều hành của AutoForecast Solutions, ông Joe McCabe, BYD vẫn sẽ là hãng xe điện rẻ nhất tại Mỹ ngay cả khi nước này áp dụng mức thuế mới 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo thông cáo báo chí từ Nhà Trắng, mức thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 27/9 nhằm mục đích "bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ khỏi các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc".

Ông McCabe cho biết giá xe điện thấp nhất của BYD tại Mỹ sẽ là 12.000 USD. Ngay cả với mức thuế suất 100%, BYD vẫn sẽ có xe điện rẻ nhất tại Mỹ với giá dưới 25.000 USD.

Tesla, công ty vẫn nắm giữ vị trí dẫn đầu (chiếm 48% thị phần xe điện Mỹ vào tháng 7) trên thị trường xe điện Mỹ, vẫn chưa thể sản xuất xe có giá dưới 30.000 USD.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, như BYD, có lợi thế với chuỗi cung ứng đã được thiết lập, cho phép giảm giá thành.

Xe điện chiếm hơn 50% doanh số bán xe chở khách tại Trung Quốc vào tháng 7. Tại Mỹ, xe điện chiếm 8,5% thị trường xe hạng nhẹ trong cùng kỳ, theo số liệu mới nhất của S&P Global Mobility .

Các công ty Trung Quốc, bao gồm BYD và CATL, cũng thống trị thị trường pin toàn cầu. Theo SNE Research, CATL (chiếm 35,9%) và BYD (chiếm 16,5%) dẫn đầu doanh số bán xe điện toàn cầu trong quý II.

Trong 8 tháng qua, CATL chiếm 37,6% thị trường pin EV toàn cầu, trong khi BYD đứng thứ hai với 16,1%.

BYD đã nhanh chóng trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất tại Trung Quốc và trên toàn cầu trong vài năm qua khi bán được 3.024.417 xe năng lượng mới (NEV) vào năm 2023, tăng 62,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong giai đoạn từ tháng 1-8 năm nay, BYD đã bán được 2.328.449 xe NEV, tăng 29,92% so với cùng kỳ năm ngoái.

BYD không có kế hoạch ra mắt xe con tại Mỹ, ít nhất là trong tương lai gần. Tuy nhiên, bình luận của ông McCabe có thể gây lo ngại cho một số đối thủ cạnh tranh tại Mỹ.

Trong khi BYD tiếp tục tung ra những mẫu xe điện giá rẻ có phạm vi hoạt động rộng hơn và nhiều tính năng tiên tiến hơn, một số nhà sản xuất ô tô của Mỹ tiếp tục trì hoãn các dự án quan trọng.

Ford đã hủy bỏ mẫu SUV điện ba hàng ghế, mở ra cơ hội cho các đối thủ nước ngoài như Kia và Hyundai. GM cũng đang trì hoãn việc xây dựng nhà máy sản xuất pin ở Indiana và có thể chuyển sang CATL để sản xuất pin LFP tại Mỹ, giống như Ford và Tesla đã làm.

Lực lượng lao động vượt quá 900.000 người

Ông Li Yunfei, giám đốc PR của BYD, mới đây cho biết tổng số nhân viên của BYD hiện đã lên tới 900.000 người, nhiều nhất trong số hơn 5.300 công ty niêm yết cổ phiếu loại A của Trung Quốc, con số này cao hơn 400.000 người so với công ty đứng ở vị trí thứ hai.

Cũng theo ông Li, trong tổng số nhân viên của BYD, gần 110.000 người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển kỹ thuật, khiến BYD trở thành hãng sản xuất ô tô có đội ngũ nhân viên R&D lớn nhất thế giới.

Các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn BYD bao gồm sản xuất ô tô, pin, lắp ráp thiết bị điện tử tiêu dùng và vận tải đường sắt, trong đó mảng kinh doanh ô tô bao gồm các thương hiệu BYD, Denza, Fang Cheng Bao và Yangwang.

Theo báo cáo thường niên trước đó, tính đến cuối năm 2023, lực lượng lao động của BYD là 703.504 người, bao gồm 524.673 nhân viên sản xuất và 104.003 kỹ thuật viên.

Điều này có nghĩa là BYD đã chứng kiến ​​mức tăng ròng gần 200.000 nhân viên trong năm nay.

Vào ngày 24/7, BYD cho biết hơn 10.000 sinh viên mới tốt nghiệp đã gia nhập công ty, trong đó gần 70% có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ và gần 80% là nhân viên nghiên cứu và phát triển.

Theo Electrek
Volkswagen tính đóng cửa nhà máy tại Đức lần đầu sau 87 năm, ngay sau 'sự đe dọa' từ BYD

Volkswagen tính đóng cửa nhà máy tại Đức lần đầu sau 87 năm, ngay sau 'sự đe dọa' từ BYD

Tài chính quốc tế
(VNF) - Volkswagen đang cân nhắc đóng cửa các nhà máy tại Đức lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của mình khi hãng sản xuất ô tô này đang phải vật lộn để cắt giảm chi phí và tồn tại trong quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.