5.000 người ‘xuống đường’: Khủng hoảng xe điện châu Âu bùng phát tại nhà máy Audi
(VNF) - Hơn 5.000 người đã tập trung tại thủ đô Brussels của Bỉ vào ngày 16/9 để ủng hộ các nhân viên nhà máy Audi và các nhà thầu phụ của họ, đồng thời kêu gọi một chính sách công nghiệp châu Âu đầy tham vọng nhằm bảo vệ việc làm trên lục địa này.
Nguy cơ việc làm bị đe doạ
Bên ngoài nhà máy Audi ở Brussels (Bỉ) được hãng sản xuất ô tô Đức mô tả là "cái nôi" của ngành công nghiệp điện, khoảng 200 công nhân tụ tập quanh đống lửa trong cơn mưa phùn buổi sáng.
Công ty đang cân nhắc đóng cửa nhà máy, một động thái mà các nhà phân tích cho rằng là dấu hiệu của những rắc rối đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô điện nói chung của châu Âu, trong bối cảnh nhu cầu thấp và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Audi là công ty con của Volkswagen, hãng đã đưa ra thông báo gây chấn động vào đầu tháng này rằng họ đang cân nhắc động thái chưa từng có là đóng cửa các cơ sở sản xuất tại Đức.
Với 3.000 việc làm bị ảnh hưởng, các công nhân đã phát động một cuộc đình công kéo dài, với một cuộc biểu tình lớn được lên kế hoạch tại thủ đô Brussels vào ngày 16/9 và các cuộc tuần hành ở những nơi khác để thể hiện sự đoàn kết.
Một số người đã ngủ trong lều bên ngoài nhà máy, nơi đã chuyển sang sản xuất xe điện (EV) vào năm 2018 sau 70 năm sản xuất xe động cơ đốt trong.
"Họ muốn đổi mới. Chúng tôi sẽ là một nhà máy thí điểm nhưng họ đã thất bại. Nó không hiệu quả và bây giờ chúng tôi là những người phải trả giá”, ông Karim Chawki, 52 tuổi, một công nhân tham gia biểu tình, cho biết.
Châu Âu đang chạy đua để sản xuất nhiều xe điện hơn như một phần trong quá trình chuyển đổi xanh của mình, khi thời hạn của EU nhằm loại bỏ dần việc bán ô tô đốt nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035 đang ngày càng gần. Nhưng doanh số vẫn chưa thể tăng.
Theo số liệu được công bố mới nhất, lượng đăng ký xe mới trong tháng 7 đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một phần nguyên nhân là do một số khoản trợ cấp bị loại bỏ nhưng nhu cầu suy yếu đã làm dấy lên lo ngại về lĩnh vực này.
Ông Felipe Munoz, nhà phân tích của công ty dữ liệu ô tô Jato Dynamics, cho biết khả năng đóng cửa nhà máy tại thủ đô Bỉ là "tác động đầu tiên" của những thách thức mà các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang phải đối mặt.
Ông cho biết xe Trung Quốc giá rẻ đã bão hòa thị trường trong khi người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm đến xe điện vì chi phí trả trước cao hơn và có xu hướng mất giá nhanh hơn.
Khi tuyên bố rằng họ đang cân nhắc đóng cửa cơ sở tại Brussels vào tháng 7, Audi cho biết nhu cầu về mẫu xe Q8 e-tron cao cấp được sản xuất tại đó đã giảm và nhà máy phải chịu chi phí hậu cần và sản xuất cao.
"Châu Âu tụt hậu quá xa. Bạn đã bao giờ nhìn thấy ô tô Trung Quốc chưa? Chúng tiên tiến hơn nhiều", ông Chawki, một công nhân lắp ráp, cho biết.
Vào tháng 7, EU đã quyết định áp thêm thuế quan sau khi cuộc điều tra chống trợ cấp kết luận rằng các nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc được hưởng lợi bất công từ trợ cấp của nhà nước.
Nhưng động thái này đã vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha và Đức, vì lo ngại sẽ gây tổn hại đến quan hệ thương mại với Bắc Kinh.
“Bị bỏ rơi”
Một báo cáo của cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi tuần trước cho biết mức thuế quan sẽ "giúp cân bằng sân chơi".
Nhưng ông Mario nhấn mạnh rằng cần có một "kế hoạch hành động" để giúp các nhà sản xuất châu Âu vượt qua khó khăn và tiếp tục con đường hướng tới mục tiêu khử cacbon.
Ông Conor McCaffrey, một nhà phân tích tại Bruegel, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Brussels, cho biết: "Những loại thuế chống trợ cấp này có thể giúp các công ty bớt căng thẳng. Nhưng chỉ riêng chúng thôi thì không đủ. Năng suất và khả năng cạnh tranh cũng cần phải tăng lên đáng kể."
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã hứa sẽ thực hiện "Thỏa thuận công nghiệp sạch" mới để chuyển hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp trong 100 ngày đầu tiên sau khi nhóm mới của bà nhậm chức vào cuối năm nay.
Nhưng điều đó có thể đã quá muộn đối với những công nhân của Audi tại Brussels khi phải đối mặt với viễn cảnh thất nghiệp.
"Sự tức giận của họ là hoàn toàn chính đáng, hoàn toàn dễ hiểu, đặc biệt là khi Audi không thực sự rõ ràng về kế hoạch của mình", ông Bernard Clerfayt, Bộ trưởng phụ trách việc làm của khu vực Brussels, nói với AFP.
Ông lưu ý rằng công ty đã nhận được khoảng 27 triệu euro (30 triệu USD) tiền tài trợ công để giúp đào tạo lại kỹ năng cho người lao động khi chuyển đổi sản xuất sang điện.
Các công đoàn Bỉ đã kêu gọi đình công trên toàn quốc vào ngày 16/9 để phản đối khả năng sa thải nhân viên, trong bối cảnh có tin đồn về một người mua nước ngoài.
"Chúng tôi chẳng biết gì cả, họ bỏ mặc chúng tôi trong bóng tối. Chúng tôi cảm thấy bị bỏ rơi", ông Regis Lauwereyns (32 tuổi), một người cha có một con, chia sẻ.
Cuộc khủng hoảng của Volkswagen và 'lời cảnh tỉnh cuối cùng' cho nước Đức
- Công nhân Samsung Ấn Độ đình công quy mô lớn, hơn 100 người bị bắt 16/09/2024 04:00
- Lại bị ám sát, ông Trump tuyên bố ‘không bao giờ đầu hàng’ 16/09/2024 12:28
- Chứng khoán châu Á ‘căng thẳng’ trước quyết định quan trọng của Fed 16/09/2024 09:29
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.