Volkswagen 'lâm nguy', hơn 15.000 lao động đứng trước nguy cơ mất việc

Vy Ba - 18/09/2024 09:15 (GMT+7)

(VNF) - Hãng sản xuất ô tô Đức Volkswagen có thể đưa ra quyết định đóng cửa nhà máy trong năm nay, mở đường cho việc cắt giảm hơn 15.000 việc làm, theo các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies.

Cân nhắc cắt giảm 15.000 lao động

Volkswagen là viên ngọc quý của nước Đức, cũng là công ty lớn nhất và là nhà tuyển dụng tư nhân quan trọng nhất của nền kinh tế hàng đầu châu Âu.

Kể từ khi Volkswagen thông báo khả năng đóng cửa nhà máy vào đầu tháng này, lực lượng lao động đông đảo của công ty đã bị xáo trộn. Gã khổng lồ có trụ sở tại Wolfsburg này cũng đã rút lại lời cam kết bảo đảm việc làm mang tính lịch sử của mình, khiến hàng loạt công nhân đứng trước viễn cảnh mất việc làm ngay lập tức.

Volkswagen có thể đưa ra quyết định đóng cửa nhà máy trong năm nay (Ảnh: Ole Spata/FT)

Hơn 15.000 công nhân có thể phải đối mặt với việc cắt giảm việc làm khi Volkswagen cân nhắc đóng cửa hai hoặc ba nhà máy trong những tháng tới, các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies đã viết trong một lưu ý vào đầu tuần qua. Khoảng 120.000 trong số 200.000 nhân viên của thương hiệu Volkswagen làm việc tại trụ sở Đức.

Các nhà phân tích cho biết việc đóng cửa nhà máy của Volkswagen có thể không cần sự chấp thuận của hội đồng giám sát, điều này có thể dẫn đến khả năng phải chi trả tới 4 tỷ euro cho chi phí đóng cửa, Jefferies nêu rõ trong ghi chú sau các cuộc trò chuyện với các giám đốc điều hành của Volkswagen tại Bắc Mỹ.

"Lý do để thay đổi quy mô của VW không phải là mới nhưng cảm giác cấp bách và quyết tâm của ban quản lý trong việc giải quyết tình trạng dư thừa công suất và mô hình chi tiêu đều là mới", các nhà phân tích cho biết.

"Có nguy cơ gián đoạn nhà máy, nhưng các công đoàn chỉ có thể đình công về tiền lương chứ không phải việc đóng cửa nhà máy hoặc sa thải nếu những điều đó không được bảo vệ theo hợp đồng", các nhà phân tích nhấn mạnh thêm.

"Cuộc chiến" dài hơi của Volkswagen

Volkswagen đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với xe hơi của mình và chi phí sản xuất ngày một tốn kém, tương lai của một số nhân viên của công ty đang bị "đe dọa".

Công ty đang đấu tranh với công đoàn của mình về cách thức triển khai một số thay đổi xung quanh việc đóng cửa nhà máy và các mối đe dọa đối với việc làm, đặc biệt là sau khi Volkswagen phá bỏ điều khoản bảo vệ việc làm đã tồn tại trong ba thập kỷ của mình.

Nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu đã bảo vệ quyết định của mình khi cố gắng đạt được mục tiêu cắt giảm chi phí 10 tỷ euro được công bố vào năm ngoái.

Phát biểu trước 25.000 công nhân tại trụ sở chính của Volkswagen ở Wolfsburg (Đức) ngày 4/9, Giám đốc tài chính Arno Antlitz cho hay các công nhân cần phải hợp tác với ban lãnh đạo công ty để cắt giảm chi tiêu nhằm giúp thương hiệu này tồn tại trong quá trình chuyển đổi sang xe điện.

“Chúng tôi (Tập đoàn Volkswagen) là nhà sản xuất lớn nhất với khoảng 1/4 thị phần tại châu Âu. Chúng tôi thiếu khoảng 500.000 xe, tương đương với khoảng 2 nhà máy”, ông Antlitz nói.

“Và điều đó không liên quan gì đến sản phẩm của chúng tôi hay hiệu suất bán hàng kém. Thị trường đơn giản là không còn nữa”, ông nhấn mạnh thêm.

Volkswagen sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn mặc dù cần phải đóng cửa các nhà máy. Công ty phải đối mặt với các công đoàn luôn sẵn sàng đấu tranh với các biện pháp đe dọa đến lực lượng lao động của mình. Họ cũng cho biết động thái của công ty ô tô này có thể dẫn đến các cuộc đình công và khiến họ thiệt hại 1 tỷ euro.

Hậu quả đã lan sang các quốc gia khác. Tuần trước, công nhân tại các nhà máy Audi thuộc sở hữu của Volkswagen ở Brussels (Bỉ) đã đánh cắp chìa khóa để phản đối kế hoạch của hãng sản xuất ô tô này, và kết quả là đã có các cuộc biểu tình quy mô lớn.

Đức đã phải đối mặt với quá nhiều vấn đề cùng một lúc, trong đó đầu tư thấp và tăng trưởng kinh tế chậm chạp là một trong những vấn đề chính.

Theo các chuyên gia, nếu công ty quan trọng nhất của châu Âu tiếp tục vật lộn và nhắm đến việc cắt giảm việc làm, thì hiệu ứng lan tỏa có thể gây tổn hại đến ngành công nghiệp Đức nói chung và khả năng cạnh tranh của ngành này.

Tuy nhiên, Volkswagen dường như quyết tâm theo đuổi việc đóng cửa nhà máy của mình, vì các quan chức quản lý của công ty đã nói với Jefferies rằng "không có kế hoạch B nào loại trừ việc cắt giảm công suất".

Theo Financial Times, Reuters
5.000 người ‘xuống đường’: Khủng hoảng xe điện châu Âu bùng phát tại nhà máy Audi

5.000 người ‘xuống đường’: Khủng hoảng xe điện châu Âu bùng phát tại nhà máy Audi

Tài chính quốc tế
(VNF) - Hơn 5.000 người đã tập trung tại thủ đô Brussels của Bỉ vào ngày 16/9 để ủng hộ các nhân viên nhà máy Audi và các nhà thầu phụ của họ, đồng thời kêu gọi một chính sách công nghiệp châu Âu đầy tham vọng nhằm bảo vệ việc làm trên lục địa này.
Cùng chuyên mục
Tin khác