Tài chính quốc tế

Tuyên bố cứng rắn với năng lượng Nga, EU vẫn chưa thể 'xuống tay' với dầu khí

(VNF) - Ngày 7/3, các quốc gia Liên minh châu Âu đã đồng ý cấm nhập khẩu than của Nga, đánh dấu biện pháp trừng phạt đầu tiên nhằm vào ngành năng lượng của Moscow. Tuy nhiên khối vẫn chưa quyết định được thời gian để hoàn toàn ngừng nhập khẩu than từ Nga, đồng thời chưa có ý định cấm dầu mỏ hay khí đốt.

Tuyên bố cứng rắn với năng lượng Nga, EU vẫn chưa thể 'xuống tay' với dầu khí

Đồng thuận trừng phạt năng lượng Nga nhưng EU mới chỉ dừng lại ở loại nhiên liệu có khối lượng nhập khẩu ít nhất từ Moscow.

Việc EU loại bỏ nhập khẩu than của Nga là biện pháp nền tảng trong gói trừng phạt thứ năm chống lại Nga mà Ủy ban EU đề xuất trong tuần này, như một phản ứng trước các vụ giết dân thường ở thị trấn Bucha của Ukraine.

Sau khi được thông qua, đây sẽ là lệnh cấm đầu tiên của EU đối với bất kỳ hoạt động nhập khẩu năng lượng nào từ Nga kể từ khi Điện Kremlin bắt đầu "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24/2.

Ủy ban điều hành của EU cho biết lệnh cấm than sẽ khiến Nga thiệt hại 4 tỷ EUR (4,4 tỷ USD) mỗi năm. Các nhà phân tích năng lượng và các nhà nhập khẩu than cho rằng châu Âu có thể thay thế nguồn cung của Nga trong vài tháng tới từ các nước khác, bao gồm cả Mỹ.

Ban đầu, Ủy ban EU đã đề xuất thời hạn 3 tháng cho các hợp đồng hiện có, có nghĩa là Nga vẫn có thể xuất khẩu than sang EU trong 90 ngày sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt, theo Reuters.

Tuy nhiên, điều kiện thời gian dường như đã được kéo dài thêm 1 tháng, tức Nga hoàn toàn có thể tiếp tục đưa than sang châu Âu trong vòng 4 tháng sau khi các biện pháp trừng phạt chính thức có hiệu lực. Theo nguồn tin của Reuters, nguyên nhân cho sự thay đổi này là do sức ép từ Đức, quốc gia nhập khẩu than Nga chính ở EU.

Dự kiến các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực vào cuối tuần này, sau khi được công bố chính thức trên tạp chí của khối ngày 8/3. Như vậy, các công ty Nga sẽ có thể xuất khẩu than sang EU cho đến giữa tháng 8 theo các hợp đồng hiện có.

Việc cấm than đá Nga chắc chắn sẽ thúc đẩy mức lạm phát vốn đã cao kỷ lục ở châu Âu. Tuy nhiên, so với việc cấm khí đốt hay dầu mỏ, thì than đá là loại nhiên liệu dễ dàng cắt giảm một cách nhanh chóng và ít gây ra thiệt hại nhất cho EU. Được biết, mỗi ngày EU chi 20 triệu USD cho việc mua than đá từ Nga, nhưng mất tới 850 triệu USD cho dầu mỏ và khí đốt.

Trong khi EU cân nhắc các biện pháp trừng phạt bổ sung, Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết hiện tại không có lệnh cấm vận nào đối với khí đốt tự nhiên của Nga đang được xem xét.

Các nước EU, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Ý và Đức, phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga. Tuy nhiên, trong trường hợp một lệnh cấm vận khí đốt được đề xuất, Ý “sẽ rất vui khi tuân theo nó” nếu điều đó có thể tạo ra hòa bình, ông Draghi nói.

Hiện tại, ngay cả lệnh cấm than cũng mang lại những hậu quả đáng lo ngại cho các chính trị gia và người tiêu dùng. Đức và các thành viên EU ở Đông Âu vẫn tạo ra một phần lớn điện năng từ than đá bất chấp quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn kéo dài nhiều năm.

“Lệnh cấm than đồng nghĩa với việc người tiêu dùng châu Âu sẽ phải gồng mình gánh chịu giá điện cao trong suốt năm nay,” theo một tuyên bố của Rystad Energy.

Châu Âu đã phải đối mặt với giá năng lượng cao trong nhiều tháng qua do nguồn cung bị hạn chế, và những lo lắng về chiến tranh đã khiến chúng thậm chí còn cao hơn. Giá năng lượng cao đã đẩy lạm phát tại 19 quốc gia thành viên sử dụng đồng tiền chung EUR lên mức kỷ lục 7,5%.

Giá than giao sau của châu Âu tăng vọt sau khi EU công bố đề xuất than, từ khoảng 255 USD/tấn lên 290 USD/tấn.

Được biết, ngoài biện pháp cấm nhập khẩu than đá, các đại sứ của các nước thành viên EU cũng thông qua các hạn chế đối với các tổ chức tài chính và cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga.

Khối lượng xuất khẩu bị trừng phạt ước tính khoảng 10 tỷ EUR, trong khi các hạn chế đối với nhập khẩu "nguyên liệu thô và các nguyên liệu cực kỳ quan trọng" sẽ ảnh hưởng đến tổng số sản phẩm trị giá 5,5 tỷ EUR.

Hơn nữa, các tàu mang cờ Nga sẽ không được phép vào các cảng châu Âu, trong khi các công ty vận tải từ Nga và Belarus sẽ bị cấm hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Liên minh châu Âu.

Tuyên bố đặc biệt đề cập đến các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nhân và "nhà tuyên truyền" của Nga. Các biện pháp trừng phạt của châu Âu cũng sẽ được mở rộng để bao gồm các sĩ quan an ninh, quân đội và các doanh nghiệp quốc phòng liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Xem thêm >> Giáng loạt đòn trừng phạt, mỗi ngày EU vẫn chi hơn 1 tỷ USD nhập khẩu năng lượng Nga

Tin mới lên