Tỷ giá VND/USD tăng 'giật mình', áp lực đẩy lãi suất đi lên nhanh chóng?

Minh Dũng - 03/05/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Giới chuyên gia cho biết, trước sức ép của tỷ giá chắc chắn lãi suất sẽ tăng. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều.

Lãi suất trước áp lực của tỷ giá

Diễn biến của tỷ giá, lãi suất luôn được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Bởi đây là hai yếu tố quan hệ mật thiết tới chi phí đầu vào, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đang lo lắng bởi mức biến động lớn của tỷ giá trong thời gian gần đây. Các doanh nghiệp sản xuất lo lãi suất cho vay sẽ gia tăng trong khi đơn hàng phục hồi chậm, mọi chi phí đầu vào đều tăng. Còn các doanh nghiệp nhập khẩu lại lo nhiều hơn về tỷ giá. Mức biến động tỷ giá cao khiến nhiều doanh nghiệp ước lỗ hàng trăm tỷ đồng. 

Nếu như đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo tỷ giá chỉ tăng khoảng 3-5% trong cả năm 2024, nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm, tỷ giá đã tăng vượt mức dự báo cho cả năm. 

Theo thống kê mới nhất của NHNN, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng tới 5,9%. Đây là một con số “đáng giật mình" khi tỷ giá năm ngoái chỉ tăng 2,6%. 

Mặt bằng lãi suất quá thấp thời gian qua đã tác động bất lợi tới tỷ giá, buộc nhà điều hành phải đặt hai yếu tố này lên bàn cân.

NHNN đã có các động thái như hút tiền đồng dư thừa trong hệ thống, tăng lãi suất trên kênh thị trường mở (OMO), bán ngoại tệ can thiệp thị trường… để hạ nhiệt tỷ giá. Dưới áp lực ngày càng tăng của tỷ giá USD/VND, từ ngày 11-28/3, NHNN đã quay trở lại sử dụng kênh tín phiếu để hút ròng khoảng 169.000 tỷ đồng trên thị trường ngân hàng, kỳ hạn đều là 28 ngày và lãi suất từ 1,3-2,5%/năm. 

Đầu tháng 4, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã bật tăng trở lại, thậm chí có lúc lên đến gần chạm mức trần 5%/năm theo quy định. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất trên thị trường liên ngân hàng từ tháng 5/2023. 

Đáng chú ý, bắt đầu từ phiên giao dịch 23/4, NHNN đã nâng lãi suất trên kênh OMO từ 4% lên 4,25%/năm. Đồng thời, khối lượng bơm thanh khoản hỗ trợ qua kênh OMO cũng tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là một trong những giải pháp được NHNN thực hiện nhằm giảm chênh lệch lãi suất USD - VND, giúp hãm phanh tỷ giá. 

Tuy nhiên, để ổn định được tỷ giá trong giai đoạn hiện nay, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Một số ý kiến cho rằng NHNN có thể tính đến phương án tăng lãi suất VND để kìm cương tỷ giá. 

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế - tài chính, người sáng lập Think Future Consultancy, lãi suất là công cụ hữu hiệu để ổn định tỷ giá giống như năm 2022. 

Ông Linh cho biết: Năm đó, chúng ta đã bán hơn 20 tỷ USD trong một thời gian ngắn nhưng tỷ giá không dịu bớt. Chỉ khi tăng lãi suất điều hành, tỷ giá mới chịu hạ nhiệt. 

Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã phải tăng lãi suất để đối phó với tình trạng đồng nội tệ mất giá. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 8 năm, nhằm ổn định đồng nội tệ. 

Song theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, “tại thời điểm này, NHNN không đặt ra vấn đề điều chỉnh lãi suất điều hành bởi việc tăng hay hạ lãi suất phải phù hợp với kinh tế vĩ mô”. 

“Lãi suất là một chỉ tiêu phức tạp và đòi hỏi phải điều hành hợp lý, vì lãi suất là yếu tố liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác, trong đó có tỷ giá. Chúng ta không thể hy sinh tỷ giá vì lãi suất, mà phải đảm bảo hài hòa lãi suất và tỷ giá trên cơ sở tính toán lợi ích chung của mối quan hệ này, cũng như trong mối tương quan với các chỉ tiêu khác", ông Tú cho biết. 

Dù lãi suất điều hành có đứng im nhưng mặt bằng lãi suất trên thị trường khó tránh khỏi xu hướng nhích lên. 

Thực tế, từ tháng 2 đến nay, lãi suất huy động đã quay đầu tăng sau một năm chỉ giảm. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng, việc lãi suất nhích lên là phù hợp, bởi lãi suất quá thấp, tiền gửi huy động thực âm sẽ khiến người dân bỏ qua kênh tiền gửi ngân hàng mà tìm đến các kênh đầu tư khác. Khi đó, ngân hàng sẽ phải đối mặt với bẫy thanh khoản. Điều này càng đáng lo trong bối cảnh tín dụng phục hồi.

Lãi suất huy động quá thấp khiến huy động vốn toàn hệ thống tính tới cuối quý I/2024 tăng trưởng âm, trong khi tín dụng tăng trưởng dương trở lại. Đây là lý do khiến một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm để hút dòng tiền trở lại. 

Tuy vậy, theo giới phân tích, diễn biến tỷ giá hay lãi suất còn phụ thuộc vào rất nhiều biến số của nền kinh tế trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM nhìn nhận, cần quan sát thêm một số yếu tố thị trường trong thời gian tới, như thanh khoản hệ thống, tăng trưởng tín dụng, cung - cầu ngoại tệ… thì nhà điều hành mới có thể đưa ra quyết định của mình. 

Theo ông Huân, dù có nhiều áp lực nhưng thời gian qua NHNN đã điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá nhịp nhàng, hiệu quả để biến động tỷ giá không quá lớn và mặt bằng lãi suất khá ổn định nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi. 

Lãi suất sẽ nhích lên nhưng không nhiều 

Làn sóng tăng lãi suất huy động ngày càng lan rộng khi chỉ tính riêng trong tháng 4, có tới 16 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. 

Đó là các ngân hàng: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng một năm qua, số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất lại lớn như vậy. 

Trong đó, một số ngân hàng có 2-3 lần điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn. Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất tại tất cả kỳ hạn với mức tăng trung bình từ 0,1-0,9%/năm. Sau lần điều chỉnh này, thị trường ghi nhận mốc lãi suất trên 6%/năm quay trở lại. 

Nếu như tháng trước, mức lãi suất 6%/năm chỉ duy nhất Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) duy trì cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng thì đến nay OceanBank đã nâng lãi suất của kỳ hạn này lên 6,1%/năm, mức cao nhất hiện nay với mọi kỳ hạn. 

OceanBank và OCB cũng là hai ngân hàng đang dẫn đầu thị trường về lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng, lần lượt là 6% và 5,8%/năm. Hai ngân hàng VietBank và Saigonbank cũng đang duy trì lãi suất 5,8% cho tiền gửi kỳ hạn 24-36 tháng. 

Ngay cả ngân hàng trong nhóm Big 4 là VietinBank cũng đã đưa mức lãi suất 5%/năm trở lại biểu lãi suất cho kỳ hạn 24-36 tháng. BIDV cũng vừa tăng lãi suất thêm 0,2% ở các kỳ hạn từ 1-11 tháng. 

Với kỳ hạn 9 tháng, đã 3 tháng qua, kỳ hạn này vắng bóng mức lãi suất 5%/năm. Thế nhưng sau khi KienLong Bank tăng lãi suất vào ngày 26/4, mức lãi suất 5% đã xuất hiện trở lại. 

Với làn sóng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, các chuyên gia cho rằng, lãi suất đã chạm đáy và bắt đầu đi lên.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng đưa ra dự báo về sự tăng nhẹ trở lại của lãi suất tiết kiệm.

Nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra dự báo, mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhiều khả năng đã tạo đáy và có thể nhích nhẹ trong thời gian còn lại của năm. 

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của VietinBank tổ chức hôm 27/4, ông Đỗ Thanh Sơn - phó tổng giám đốc phụ trách VietinBank - trả lời cổ đông rằng trước sức ép của tỷ giá, chắc chắn lãi suất sẽ tăng. 

Nhận định về xu hướng lãi suất huy động thời gian tới, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho rằng, lãi suất sẽ nhích lên nhưng không nhiều. Theo ông Hưng, lãi suất sẽ tăng 1%/năm, còn bình thường chỉ 0,3-0,5%/năm. 

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS), một vài ngân hàng thương mại quy mô nhỏ đã bắt đầu điều chỉnh lãi suất tăng từ đầu tháng 4 ở một số kỳ hạn nhưng nhìn chung, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng thấp trong năm 2024. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, cũng cho rằng, mức tăng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều, dù khả năng lãi suất sẽ nhích lên theo từng quý.

Hết thời 'dò đáy', lãi suất sẽ sớm tăng?

Hết thời 'dò đáy', lãi suất sẽ sớm tăng?

Ngân hàng
(VNF) - Lãi suất huy động rục rịch đi lên khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay sớm tăng trở lại. Nhiều chuyên gia dự báo, thời điểm cuối 2024, lãi suất sẽ trở lại mức trung bình trước đây.
Cùng chuyên mục
Tin khác