Ukraine chi mạnh tay mua loạt tên lửa phòng không Mỹ để đối phó Nga?

Thanh Tú - 30/08/2018 15:06 (GMT+7)

(VNF) - Đại sứ Ukraine tại Mỹ Valeriy Chaly tiết lộ Kiev đã đề nghị Washington thông qua thương vụ mua hệ thống phòng không trị giá 750 triệu USD/tổ hợp.

VNF
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.

"Nếu cần thiết ít nhất ba tổ hợp này sẽ được xem xét để tăng cường sức mạnh phòng không cho quân đội Ukraine”, Interfax dẫn lời ông Chaly trong cuộc phỏng vấn ngày 29/8.

"Bảo vệ không phận và hải phận là những yếu tố không thể thiếu nếu muốn đảm bảo khả năng phòng thủ của Ukraine”, vị đại sứ nhấn mạnh.

Vị Đại sứ nói thêm rằng mong muốn mua vũ khí Mỹ được Ukraine đưa trong các cuộc gặp cấp cao gần đây giữa Tổng thống Ukraine Pedro Poroshenko và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Brussel, Bỉ, cũng như giữa các quan chức Kiev với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton.

Đại sứ Ukraine tại Mỹ Valeriy Chaly.

Sau thời gian chỉ cung cấp viện trợ quân sự, Washington đã đồng ý bán cho Kiev các vũ khí sát thương từ cuối năm 2017, mở đầu là hợp đồng tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin trị giá 47 triệu USD. Thương vụ này gây ra căng thẳng giữa Mỹ và Nga, trong bối cảnh xung đột tại miền Đông Ukraine đang bùng phát trở lại.

Với động thái mới này của Ukraine, nhiều chuyên gia phỏng đoán hệ thống phòng không mà Ukraine nhắm tới là Patriot để thay thế các hệ thống S-300PT và S-300PS cũ.

Patriot được cho là có đủ khả năng giúp Ukraine tăng cường khả năng quốc phòng và ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực.

Hiện có 15 quốc gia sử dụng hệ thống phòng không Patriot là nền tảng phòng thủ và tích hợp tên lửa tấn công.

Tổng thống Ukraine Pedro Poroshenko và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mới đây, trong lễ duyệt binh chào mừng Ngày độc lập hôm 24/8, Ukraine đã lần đầu công khai những tổ hợp phòng không lục quân kiêm phòng thủ tên lửa S-300V1 vừa được khôi phục hoạt động.

Theo tuyên bố của các quan chức quốc phòng Ukraine, những tổ hợp phòng không S-300V1 đã được hiện đại hóa này là vũ khí tối quan trọng để đánh trả tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M cũng như tên lửa hành trình Kalibr của Nga, nếu như Moscow quyết định can thiệp vào cuộc xung đột tại miền Đông.

Bên cạnh S-300V1, Ukraine còn phục hồi và đưa vào biên chế rất nhiều hệ thống phòng không đủ tầm khác, từ S-300PT, S-300PS, Buk-M1 cho tới Tor-M1... theo đánh giá thì số lượng và chất lượng như vậy đã đủ để tạo lập lưới lửa bảo vệ không phận của họ.

Tổ hợp phòng không lục quân kiêm phòng thủ tên lửa S-300V1 của Ukraine.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine. Kiev và các nước phương Tây cáo buộc Moscow hỗ trợ vũ khí cho phe ly khai ở miền đông Ukraine, nhưng Điện Kremlin bác bỏ.

Ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ cung cấp 200 triệu USD cho Ukraine để giúp tăng cường các năng lực phòng thủ của quân đội nước này.

Đây là một phần trong hàng loạt các khoản tiền ước tính tổng cộng hiện nay đã lên tới hơn một tỷ USD mà Lầu Năm Góc đã chi cho Ukraine kể từ năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea.

Xem thêm >> Mỹ lại đe dọa trừng phạt Ấn Độ vì kế hoạch mua vũ khí Nga

Theo Interfax
Cùng chuyên mục
Tin khác