'Ứng dụng AI là xu hướng thống trị chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng năm 2024'

Anh Phan - 26/12/2023 19:37 (GMT+7)

(VNF) - Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show), các chuyên gia đánh giá, dù dự báo kinh tế thế giới và trong nước còn phải đối mặt với những khó khăn, nhưng các xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2024, đặc biệt là một xu hướng mới xuất hiện được gọi là chuyển đổi AI.

VNF
Ông Hòa (bên phải) và ông Đức tại chương trình.

Muốn chuyển đổi số phải đổi tư duy

Theo ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), không nằm ngoài xu hướng của thế giới, ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam đã nhìn nhận bằng những con số và giá trị mang lại bởi chuyển đổi số từ 2 góc cạnh. Theo đó, người dân Việt Nam đã đón nhận hơn, doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi số khiến các dịch vụ số của ngân hàng càng đi sát nhu cầu và gia tăng tần suất sử dụng của người dân, doanh nghiệp.

Trong năm 2023 nhờ chuyển đổi số, có ngân hàng tăng hơn 2 triệu khách hàng mới, tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu tăng gần 50%.

Năm 2023 cũng chứng kiến các hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành chứng khoán, trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng, số lượng nhà đầu tư chứng khoán lên tới hơn 7 triệu tài khoản…. Nhiều công ty chứng khoán đã đưa big data, AI vào trong các hoạt động cho chính công ty và khách hàng.

“Khi làm chuyển đổi số, điều quan trọng nhất là không phải chỉ là chuyển đổi số cung cấp một dịch vụ, mà người chuyển đổi số họ cũng phải tham gia trực tiếp vào việc đó và chính bản thân họ phải thay đổi tư duy. Khi làm được hai điều đó cùng lúc thì mới có kết quả, mà khi đó chuyển đổi số sẽ là tiết kiệm chi phí", ông Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), năm 2023, cho dù có nhiều khó khăn, song đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở nhiều nước, nhiều khu vực vẫn rất lớn và thực sự đem lại hiệu quả.

Tại SHB, ông Đức cho hay 90% các giao dịch của ngân hàng đã được thực hiện qua kênh số Mobile banking Internetbanking, kênh truyền thống chỉ chiếm 10%.

“Trong các cuộc nói chuyện với các CEO của ngân hàng khác thì tôi cũng có một con số tương tự như thế. Như vậy việc chuyển dịch này cho thấy rằng là chuyển đổi số thực sự sẽ mang tính quyết định trong việc cạnh tranh. Chúng tôi tập trung vào phát triển rất nhiều các sản phẩm số, thứ hai chúng tôi tự động hóa quá trình, các quy trình backoffice để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh”, Phó tổng giám đốc SHB cho hay.

"Ở Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số trở thành một phong trào nên sẽ có cả mặt tích cực và tiêu cực của nó. Về những mặt tích cực tôi đã phân tích ở trên, còn về mặt không tích cực ở đây là sự đầu tư lãng phí nếu không chuyển đổi đúng. Tôi thấy các doanh nghiệp chúng ta nhiều khi bị mắc vào một cái bẫy, tức là chúng ta thực hiện chuyển đổi số như chúng ta chỉ quan tâm đến việc đầu tư vào số mà quên đi một nội hàm rất quan trọng của nó, đó là chuyển đổi, chuyển đổi cách thức làm việc, cách thức kinh doanh, sản xuất, quản trị…nói rộng hơn tức là chúng ta phải chuyển đổi cả tư duy, nếu không thì hoạt động chuyển đổi số sẽ không có ý nghĩa và nó không mang lại được những lợi ích của nó", ông Đức nêu quan điểm.

Ứng dụng AI là xu hướng thống trị năm 2024

Đánh giá về năm 2024, ông Hòa cho hay kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, lạm phát còn giữ ở mức cao, các xung đột vẫn còn dai dẳng, sức mua toàn cầu vẫn chưa thật sự hồi phục.

Nhưng theo ông Hòa, vẫn sẽ có một bức tranh tươi sáng hơn về sự hồi phục, lạm phát dần được kiểm soát, các NHTW cắt giảm lãi suất, các nguồn vốn xanh sẽ được triển khai, thương mại toàn cầu hứa hẹn hồi phục trở lại. Tại Việt Nam, kinh tế số dự báo sẽ chiếm 20% GDP. Ngành ngân hàng trên đà của 2023 vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào chuyển đổi số và công nghệ và 2024 sẽ đi sâu hơn và rộng hơn nữa trong việc ứng dụng AI/GenAI; thanh toán xuyên biên giới và các mục tiêu của ESG.

“Việt Nam vẫn sẽ là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới bởi sự năng động của Chính phủ, ổn định chính trị và nhiều lợi thế khác. Việt Nam đang đón đầu những xu hướng mới về dịch chuyển chuỗi sản xuất, mới đây nhất là ngành công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi xanh, về công nghệ như AI, block-chain, metaverse… Đối với ngành chứng khoán Việt Nam hiện nay đang thực hiện chậm một chút so với ngành ngân hàng do tính đặc thù về chu kỳ và quy mô, tuy nhiên ngành chứng khoán Việt Nam đang đặt ra mục tiêu nâng hạng từ thị trường Frontier lên Emerging, để đạt được mục tiêu đó thì ngành chứng khoán gồm cả cơ quan quản lý và các công ty chứng khoán đều cần phải chuyển đổi số mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường và cung cấp các sản phẩm mới”, ông Hòa nêu.

Đánh giá về thị trường năm 2024, ông Lưu Danh Đức cho rằng ngành tài chính, ngân hàng có sự liên hệ mật thiết với thị trường bất động sản và nếu nhìn về ngắn hạn, thị trường vẫn còn rất nhiều thách thức.

“Tuy nhiên, ở trong thách thức này tôi cũng nhìn thấy những động thái rất tích cực của Chính phủ để thúc đẩy các ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản. Cùng với xu hướng lãi suất đang giảm mạnh thì tôi nghĩ rằng, đây cũng là một điểm sáng để tin tưởng rằng, chúng ta sẽ có cơ hội để phục hồi”, ông Đức nhấn mạnh.

Cũng theo Phó tổng giám đốc SHB, hoạt động chuyển đổi số vẫn tiếp tục được tăng cường hơn trong 5 năm tới với 5 xu hướng gồm: AI, an ninh thông tin (Cyber Security), tích hợp công nghệ, phân tích dữ liệu và chuyển đổi điện toán đám mây.

“Theo tôi, AI/ML và cả Generative AI vẫn là xu hướng thống trị trong năm 2024. Về phía trong nước, tất nhiên là chúng tôi cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Nhân loại thì vốn tò mò và luôn có nỗi sợ mình chậm chân trong các xu hướng công nghệ, nên trong năm sau và vài năm sắp tới, tôi vẫn cho rằng “trend” này vẫn còn được quan tâm nhiều hơn nữa”, ông nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác