Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ủng hộ kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Lê Nguyễn - 16/10/2019 16:51 (GMT+7)

(VNF) – Trước đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng không nên cấm mà cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

VNF
Ảnh minh họa

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đã cho ý kiến đối với một loạt quy định trong dự luật.

Một trong những nội dung đáng chú ý là về việc bãi bỏ phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư năm 2014, Ủy ban Kinh tế tán thành đề nghị giữ các phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư năm 2014 quy định Danh mục các chất ma túy, các hóa chất, khoáng vật cấm kinh doanh và động, thực vật hoang dã bị cấm ban hành kèm theo Luật. Nguyên do đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên phải quy định trong luật theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

Đối với vấn đề đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Ủy ban Kinh tế đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Về cách thức quy định Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường, Ủy ban Kinh tế tán thành đề nghị xây dựng Danh mục ngay trong Phụ lục ban hành kèm theo dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ trong chính sách đầu tư.

Đối với quy định tại điểm h khoản 1 Điều 20 dự thảo Luật - bổ sung hình thức hỗ trợ đầu tư mới là “hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước” - Ủy ban Kinh tế cho rằng dự thảo Luật bổ sung hình thức hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước nhưng giao Chính phủ quy định chi tiết là chưa phù hợp.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về sự cần thiết bổ sung hình thức hỗ trợ đầu tư này, đánh giá tác động và tính khả thi trong điều kiện ngân sách nhà nước hiện nay, thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư khắc phục tình trạng còn có cách hiểu khác nhau về phạm vi và đối tượng áp dụng; bổ sung các tiêu chí, điều kiện về hiệu quả và tính liên tục của dự án đầu tư làm căn cứ xác định được hưởng ưu đãi đầu tư; bảo đảm thủ tục hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thực sự rõ ràng, thuận lợi, đặc biệt là các hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.

Về triển khai thực hiện dự án đầu tư (Mục 4 Chương IV dự thảo Luật), Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định theo hướng bổ sung quy định các căn cứ, tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền có cơ sở xem xét, thời hạn hoạt động cụ thể của dự án đầu tư, không quá thời hạn tối đa được quy định tại Điều 44 dự thảo Luật;

Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể về cấu thành hành vi giao dịch giả tạo về vốn làm cơ sở áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Nguyên do là nếu giao dịch giả tạo về vốn quy định tại dự thảo Luật được hiểu theo quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 124) thì chưa đáp ứng yêu cầu về ngăn ngừa, xử lý các trường hợp đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 47 dự thảo Luật về việc thực hiện dự án đầu tư dầu khí và việc chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí thực hiện theo pháp luật về dầu khí; bổ sung quy định về cơ chế bồi thường, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 47 dự thảo Luật; bổ sung quy định về việc chuyển nhượng dự án đầu tư chưa hình thành tài sản…

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.