Tài chính quốc tế

Vấn đề Syria: Anh ủng hộ Mỹ, Pháp bất ngờ ‘thận trọng’

(VNF) - Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định rằng Anh đồng ý phối hợp với Mỹ trong các hoạt động quốc tế nhằm đáp trả việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì tuyên bố trong bất cứ trường hợp nào, nước Pháp cũng không cho phép tình hình leo thang và sự ổn định của khu vực bị tổn hại.

Vấn đề Syria: Anh ủng hộ Mỹ, Pháp bất ngờ ‘thận trọng’

Truyền thông phương Tây đưa tin Mỹ, Anh và Pháp đang thành lập một liên minh quân sự để tấn công Syria.

Thủ tướng Anh Theresa May đã có cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump vào tối 12/4 về vấn đề Syria. Hai nhà lãnh đạo thể hiện chung quan điểm rằng việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là một "hành động nguy hiểm" và "cần bị đáp trả", theo Reuters.

Thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Anh nêu rõ: "Sự phối hợp hành động giữa các đồng minh sẽ giúp ngăn chặn việc tái diễn sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Syria. Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thảo luận các phương án đáp trả Syria".

Anh và Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thảo luận các phương án đáp trả Syria.

Trước đó, ngay sau khi khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo về một cuộc tấn công tên lửa nhắm vào Syria và nhận được lời hứa tham chiến của Pháp, Thủ tướng Anh Theresa May triệu tập nội các chiều cùng ngày để bàn bạc "cách thức phản ứng với những sự kiện gần đây ở Syria".

"Sau cuộc thảo luận mà tất cả thành viên nội các đều tham gia đóng góp ý kiến, Nội các Anh nhất trí rằng cần thiết phải đáp trả việc sử dụng vũ khí hóa học", Reuters dẫn thông cáo của chính phủ Anh cho biết.

Tuy nhiên, bà May lưu ý rằng "một cuộc không kích chỉ được tiến hành khi có bằng chứng cho thấy Syria đã sử dụng vũ khí hóa học".

Pháp "cân nhắc phản ứng"

Trả lời đài truyền hình Pháp TF1 trưa 12/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố nước Pháp có bằng chứng về việc chính quyền của ông Bashar Al-Assad ở Syria đã sử dụng vũ khí hoá học tại thành phố Douma của Syria vào cuối tuần trước.

Tuy nhiên, "nước Pháp vẫn chưa quyết định cách thức phản ứng với vụ việc này mà sẽ đưa ra quyết định, nhiều khả năng là tấn công quân sự, trong thời điểm cần thiết", theo ông Macron.

Ông Macron đã tiết lộ rằng ông đã điện đàm nhiều lần với người đồng cấp nước Nga Vladimir Putin trong những ngày qua và nước Pháp đang làm tất cả để đạt được một lệnh ngừng bắn tại Syria.

"Những gì chúng tôi đang làm hôm nay và những gì chúng tôi sẽ làm ở Syria gắn chặt với những ưu tiên của chúng ta và đảm bảo ở mức tối đa sự ổn định của khu vực. Trong bất cứ trường hợp nào, nước Pháp cũng không cho phép tình hình leo thang và sự ổn định của khu vực bị tổn hại", ông Macron khẳng định.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp hồi tháng 5/2017.

Sự thận trọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hiện nay dường như khá trái ngược với tuyên bố của chính ông hồi tháng 2 rằng nếu chính quyền Syria sử dụng vũ khí hoá học, Pháp sẽ tấn công quân sự không ngần ngại.

Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự Pháp, tổng thống Pháp Macron hiện cũng đang đứng trước một lựa chọn rất phức tạp giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump, đó là nếu không tấn công Syria thì sẽ bị mất thể diện vì đã trót tuyên bố mạnh, nhưng nếu phiêu lưu quân sự thì rủi ro tạo ra xung đột không thể kiểm soát với Nga là rất cao.

Ở một động thái liên quan khác, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 12/4 đã khẳng định rằng có nhiều biện pháp được cân nhắc để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, nhưng Đức sẽ không tấn công quân đội Syria cũng như các lực lượng chính phủ khác.

Nhà lãnh đạo Đức cho rằng "điều quan trọng là cần thể hiện sự thống nhất trong vấn đề Syria", đồng thời cảnh báo chính quyền Syria chưa phá hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học như nước này từng cam kết năm 2013.

Syria và Iran sẽ cùng nhau chống lại mọi sự khiêu khích

Người đứng đầu chính quyền Damascus, Tổng thống Syria Bashar Assad ngày hôm qua (12/4) cũng đã có những tuyên bố đầu tiên kể từ khi căng thẳng bùng phát xảy ra trong khoảng 1 tuần trở lại đây.

Ông Assad đã có cuộc trò chuyện với ông Ali Akbar Velayati, cố vấn hàng đầu của lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, tại thủ đô Damascus.

Trong cuộc họp, ông Assad cảnh báo, các mối đe dọa phương Tây nhằm vào Damascus sẽ gây bất ổn cho tình hình trong khu vực và trên toàn thế giới.

Ông Ali Akbar Velayati (trái) tại cuộc gặp với Tổng thống Syria, Bashar al-Assad tháng 11/2017.

Đồng tình với lãnh đạo Syria, cố vấn Iran nhắc nhở về sự trợ giúp của Tehran đối với chính quyền và người dân Syria trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trước đó, ông Velayati từng nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Suria TV, Syria và Iran sẽ cùng nhau chống lại mọi sự khiêu khích và đe dọa từ Mỹ, Israel và các đồng minh.

Ngoài các phát ngôn, chưa rõ Syria đã có động thái gì chuẩn bị cho các cuộc không kích tiềm năng từ Mỹ và đồng minh. Trong khi đó, Nga, đối tác thân thiết của Syria, tuyên bố, Căn cứ Không quân Hmeymim, Căn cứ Hải quân Tartus và lực lượng Nga tại Syria đã sẵn sàng phản ứng nếu phương Tây tấn công.

Quân đội Nga ở Syria đã sẵn sàng đảm bảo an ninh cho các chuyên gia của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) đang hướng tới Syria để điều tra cáo buộc tấn công hóa học ở Douma.

> Syria kiểm soát hoàn toàn Đông Ghouta, tuyên bố ‘không sợ Mỹ tấn công’

Tin mới lên