Văn kiện Đại hội XIII khẳng định 'nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế'

Minh Phúc - 25/01/2021 22:28 (GMT+7)

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định như vậy.

VNF
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới

Chia sẻ tại buổi họp báo trước thềm Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết: “Công tác chuẩn bị xây dựng Văn kiện của Đại hội Đảng lần này được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu”.

Nội dung của Văn kiện không chỉ đưa ra tầm nhìn và định hướng cho đất nước trong 5 năm tới mà chúng ta đưa ra tầm nhìn và định hướng đến giữa thế kỷ, với khát vọng phát huy ý chí, sức mạnh của con người Việt Nam để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong điều kiện mới.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, có hai nội dung cơ bản nhất của Văn kiện, một là chúng ta nhấn mạnh, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là “nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Thứ hai, nhân dân là trung tâm trong sự nghiệp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Chúng ta nhấn mạnh đến vai trò dân là gốc, sức mạnh của nhân dân giữ vai trò rất quan trọng, mang ý nghĩa quyết định.

Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh, trong tất cả nội dung cụ thể của Văn kiện đều có nội dung mới. Ví dụ như lĩnh vực kinh tế, Văn kiện của Đảng nhấn mạnh đến “mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát”.

Ông giải thích, đây là một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế và lấy con người làm trung tâm. Và mọi người dân tham gia hưởng lợi cùng quá trình phát triển. Muốn làm được điều đó, phải có một thể chế phát triển toàn diện chứ không phải chỉ có thể chế về kinh tế.

Thứ hai, để có được sự bứt phá trong phát triển thì quan điểm phát triển nhanh và bền vững là quan đểm xuyên suốt, trong đó nhấn rất mạnh về một nền kinh tế phải có năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao.

Điều này được dựa trên đổi mới sáng tạo, những thành tựu của khoa học công nghệ, do đó mô hình từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế biển, liên kết vùng đều phải được đặt trong cách tiếp cận hiện đại. Đó là những nội dung rất mới.

Việt Nam không có lý do gì không thể lập kỳ tích kiểu "Thần kỳ Nhật Bản", "Kỳ tích sông Hàn"

Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng lần này cũng nhấn mạnh yêu cầu về “khơi dậy khát vọng phát triển”, một dân tộc anh hùng, có truyền thống vẻ vang trong đấu tranh giành độc lập, bảo vệ đất nước.

Tinh thần đó có thể thấy được trong những lời hiệu triệu của Bác Hồ trong khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, dù khó khăn đến đâu, dù có thể đốt cháy cả dãy trường sơn cũng phải giành cho được độc lập, đó là tinh thần Việt Nam.

Và khi thực dân Pháp trở lại gây hấn xâm lược nước ta, thì lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến vẫn còn vang vọng, đấy là chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...

“Một dân tộc như vậy, không có lý do gì không trở thành một dân tộc phát triển, truyền thống yêu nước chính là sức mạnh, văn hóa chính là sức mạnh, bản lĩnh con người Việt Nam chính là sức mạnh và việc vượt qua dịch Covid-19 vừa rồi là một minh chứng dễ thấy nhất”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.

Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng cho rằng: “Mục tiêu Văn kiện lần này hướng tới rất rõ. Chúng ta có tầm nhìn đến 100 năm thành lập nước (2045), Việt Nam phải trở thành một nước phát triển, thu nhập cao”.

Trong 5 năm tới, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng ta trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Và trong 10 năm tới, khi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao.

“Đó là cách để Việt Nam định vị mình trong thế giới để xác định mình ở đâu, mức nào, từ đó nỗ lực phấn đấu và thực hiện khát vọng phát triển đất nước. Việt Nam không lý do gì không thể lập nên kỳ tích kiểu như “Thần kỳ Nhật Bản”, “Kỳ tích Sông Hàn”... Chúng ta cần hướng vào lời hiệu triệu của văn kiện ở phần cuối với nỗ lực quyết tâm lập nên kỳ tích phát triển mới của Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ.

Liên quan đến việc tiếp thu các ý kiến góp ý để xây dựng Văn kiện, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cho biết hiện nay cơ quan có trách nhiệm đã thu thập được 1.400 trang góp ý của đại biểu, của đảng bộ các tỉnh/thành, của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong đó có 80 kiến nghị rất bài bản để hoàn thiện Văn kiện, đó là điều rất mừng. Đặc biệt là không có ý kiến nào khác về quan điểm, những ý kiến góp ý để cụ thể hóa, biến những nội dung đó thành hiện thực thì rất nhiều và phổ biến.

Điển hình như về lĩnh vực nông nghiệp, rất nhiều ý kiến cho rằng đây là lĩnh vực quan trọng, nhất là trước những cú sốc, khó khăn của đất nước.

“Có ý kiến góp ý rằng cần coi nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, điều này đã được tiếp thu vào trong Văn kiện”, theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, vì chúng ta thực hiện phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới rất tốt.

Một số ý kiến góp ý cũng cho rằng, trong điều kiện mới, phải phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, hữu sơ, sản xuất hàng hóa và có giá trị gia tăng. Và nông thôn phải là nông thôn hiện đại, văn minh.

“Những nội dung đó đều được tiếp thu cả. Tinh thần tiếp thu nghiêm túc, cân nhắc kỹ lưỡng và rất tôn trọng ý kiến của đồng bào, chiến sĩ cả nước”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.

Theo NNVN
Cùng chuyên mục
Tin khác