Công tác nhân sự Đại hội XIII được chuẩn bị thế nào?

An Nguyên - 10/01/2021 14:50 (GMT+7)

Công tác nhân sự của Đại hội XIII của Đảng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, bài bản, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.

VNF
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương)

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết, công tác nhân sự của Đại hội XIII của Đảng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, bài bản, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm và tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của Đảng, nhân dân.

Thưa ông, chỉ còn hơn 2 tuần nữa là Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra và công tác nhân sự có thể nói là một nội dung quan trọng nhất của Đại hội. Vậy công tác này đã được chuẩn bị thế nào?

Đại hội XIII có nhiều nội dung, nhưng có thể nói, có 2 vấn đề quan trọng nhất là văn kiện và công tác nhân sự. Vì tính chất quan trọng của nó, nên đích thân đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là trưởng của cả 2 tiểu ban này (Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự).

Văn kiện là vấn đề cực kỳ quan trọng vì Đại hội quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước không chỉ 5 năm tới, mà định hướng cho 10 năm tới, thậm chí còn xác định tầm nhìn 25 năm tới.

Đường lối đã có, nhưng quan trọng nhất vẫn là cán bộ. Bất kỳ một Đảng cầm quyền nào, thì thứ nhất phải hoạch định được đường lối đúng; thứ hai là phải có tổ chức bộ máy phù hợp, khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thứ ba là phải có đội ngũ cán bộ tương xứng để đưa nghị quyết của Đại hội vào thực tiễn.

Như vậy, suy cho đến cùng, cán bộ là khâu quyết định trước hết. Vì cán bộ cũng là người làm ra đường lối, cán bộ cũng là người thiết lập tổ chức bộ máy, cũng là người định vị ra cơ chế vận hành của tổ chức bộ máy. Và cuối cùng, cán bộ là người lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện để đưa đường lối vào thực tiễn, cuộc sống.

Nếu có cán bộ tốt, thậm chí đường lối chưa cụ thể, chưa toàn diện, thì chúng ta bổ sung. Nhưng ngược lại, đường lối có đúng đến mấy, tổ chức bộ máy có khoa học phù hợp đến mấy, nhưng đội ngũ cán bộ không đáp ứng yêu cầu, thì thậm chí làm hỏng cả đường lối. Chính vì thế, công tác nhân sự của Đại hội cực kỳ quan trọng.

Nói đến công tác nhân sự Đại hội XIII tức là nói đến công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Đây chính là nhân tố quyết định. Vì thế, công tác nhân sự lần này được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung cao độ. Có thể nói, công tác nhân sự đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ, bài bản, làm từng bước, từng việc, từng khâu, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm và quan trọng nhất là tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của Đảng, của nhân dân.

Ông đã từng nói, về công tác cán bộ thì chưa nhiệm kỳ nào, Trung ương ra nhiều nghị quyết, quyết định như nhiệm kỳ này?

Đúng vậy. Chưa có nhiệm kỳ đại hội nào mà từ Trung ương đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp lại chăm lo, quan tâm đến công tác cán bộ như vậy. Công tác cán bộ có nhiều khâu, nhiều mục, nhiều yếu tố, nhưng có thể nói, trong nhiệm kỳ này, trước hết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung cao độ cho việc hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ. Đó là các quy định, quy chế, quy trình để chúng ta thực hiện theo tinh thần đó.

Thứ hai, riêng về công tác cán bộ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương ban hành quy định có thể lần đầu tiên mới có, đó là Quy định số 08-QĐi/TW năm 2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Rồi cũng lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành quy định 205-QĐ/TW năm 2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Tiếp theo, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ. Trước đây, chúng ta nói là đánh giá theo định tính, ít định lượng, thì lần này, quy định của Bộ Chính trị đã rất rõ, không chỉ định tính, mà cả định lượng, đánh giá cán bộ về phẩm chất chính trị, về năng lực công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, về phẩm chất đạo đức, tuổi tác, sức khỏe... đều phải cụ thể, chi tiết để làm cơ sở.

Đây cũng là nhiệm kỳ chúng ta đổi mới rất mạnh mẽ về đánh giá cán bộ. Đó là, đánh giá cán bộ phải liên tục, xuyên suốt, phải theo tiêu chí, phải bằng sản phẩm, đánh giá phải đa chiều, có so sánh, công khai, đánh giá người đứng đầu phải gắn với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả địa phương, cơ quan, đơn vị.

Với cách làm như vậy, quy định, quy chế chặt chẽ như vậy, tôi tin rằng, công tác cán bộ của chúng ta sẽ tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

Ông có thể nói rõ hơn về cơ cấu 3 độ tuổi trong công tác cán bộ của Đảng?

Cơ cấu 3 độ tuổi không phải là quy định mới trong Đại hội XIII, mà ở các kỳ Đại hội, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều nhấn mạnh cơ cấu này.

Quy định 3 độ tuổi chính là để trong cơ quan lãnh đạo có các cán bộ thế hệ kế tiếp nhau. Có một số tuổi cao, phần đông là trung bình và có một số trẻ. Ba thế hệ cán bộ này cách nhau khoảng 10 năm để kế thừa, tiếp tục chuyển tiếp, để làm sao công tác cán bộ không bị hụt hẫng, đứt quãng. Thế hệ già có cái mạnh của lớp già nhiều kinh nghiệm, va đập, đã từng trải. Còn thế hệ trẻ thì sung sức hơn, trình độ khá hơn, đào tạo bài bản hơn. Các thế hệ bổ sung nhau, tạo thành một tập thể mạnh.

Quan điểm của Đảng ta là lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. Một tập thể phải bổ sung cho nhau, kế thừa nhau.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác