VCSC: MB đã được Ngân hàng Nhà nước nới 'room' tăng trưởng tín dụng

Minh Tâm - 08/12/2018 13:16 (GMT+7)

(VNF) - VCSC vừa nâng dự báo tăng trưởng cho vay của MB lên 17% cho năm 2018 (so với 15% trước đây) khi ngân hàng này đã được nới room tăng trưởng tín dụng.

VNF
VCSC: MB đã được Ngân hàng Nhà nước nới 'room' tăng trưởng tín dụng

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa đưa ra báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB).

Theo báo cáo, VCSC quyết định điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận 2018 thêm 2%, đạt 5,9 nghìn tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do mức điều chỉnh tăng 16% của thu nhập phí ròng (NFI) khi kết quả kinh doanh 9 tháng 2018 đã vượt dự báo trước đây của VCSC, báo hiệu đà tăng trưởng mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, VCSC điều chỉnh giảm 5% dự báo lợi nhuận 2019, lên 7,3 nghìn tỷ (tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái), chủ yếu do mức tăng 10% phí dự phòng liên quan đến tăng trưởng nhanh chóng của dư nợ cho vay bán lẻ.

Đáng chú ý, công ty chứng khoán này nâng dự báo tăng trưởng cho vay lên 17% cho năm 2018 (so với 15% trước đây) khi MB đã được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tăng trưởng tín dụng).

Cùng với đó, việc doanh thu 9 tháng 2018 của MBAgeas (công ty bảo hiểm của MB) ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ và do đó theo VCSC, công ty này sẽ đạt điểm hòa vốn trong năm 2019.

Trong một diễn biến mới đây, MB đã tổ chức buổi làm việc, cập nhật kết quả kinh doanh quý 3 và đánh giá triển vọng 2019 với khoảng 20 quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Tham gia chủ trì tại buổi làm việc có ông Đàm Nhân Đức – Giám đốc Nghiên cứu Phát triển MB và ông Shuji Shinohara – Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Công ty Tài chính tiêu dùng (M Credit).

Nhận định về ngành ngân hàng, ông Đàm Nhân Đức dự báo doanh thu toàn ngành năm 2019 sẽ tăng trưởng trên dưới 15% tùy theo từng kịch bản. Ông Đức khẳng định MB sẽ nỗ lực cải cách, tăng cường sức cạnh tranh, hoàn thiện các mô hình kinh doanh để đạt mức tăng trưởng cao hơn thị trường từ 30-60%.

Về kết quả của MB 9 tháng đầu năm 2018, tổng thu nhập hoạt động thuần của ngân hàng tăng trên 30%, lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng đạt 5.513 tỷ, tăng 41% so với cùng kỳ và lợi nhuận hợp nhất đạt 6.015, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2017. Các chỉ tiêu quan trọng khác tiếp tục được cải thiện như chỉ số biên lợi nhuận ròng (NIM) đạt 4,12%, thuộc nhóm cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết. Thu phí dịch vụ tăng trưởng mạnh với tốc độ gần 100% so với cùng kỳ.

Ông Đàm Nhân Đức khẳng định, hoạt động thu phí tiếp tục được quan tâm đầu tư bằng cách mài sắc, củng cố các mô hình kinh doanh hiện có và đầu tư phát triển các mô hình kinh doanh mới như digital banking. Ông dự báo thu phí dịch vụ của MB vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong năm tới.

Khi được hỏi về việc mua cổ phiếu quỹ, ông Đức nhấn mạnh MB luôn suy nghĩ và triển khai các giải pháp mang lại lợi ích cho cổ đông và ngân hàng. Ông xin không bình luận về việc mua cố phiếu quỹ nhưng nhấn mạnh theo quy định hiện hành thì việc mua cổ phiếu quỹ nếu có cần phải được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán thông qua và MB sẽ phải công bố thông tin trước 7 ngày thực hiện.

Cũng trong buổi thảo luận, trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư, ông Shuji Shinohara, Phó Tổng Giám đốc thường trực M Credit cho hay hiện nay M Credit phát triển 2 sản phẩm chính là cho vay trả góp và cho vay tiền mặt, thông qua kênh bán hàng trực tiếp. M Credit đã tăng trưởng hơn 200% trong năm 2018, và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, khoảng 200% cả về quy mô và lợi nhuận trong năm 2019 nhằm đạt mục tiêu lọt TOP 3 trong ngành trong vài năm tới. Hiện tại M Credit đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 6 trên thị trường tài chính tiêu dùng sau 2 năm hoạt động.

Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, lãnh đạo M Credit cho biết công ty đã bắt đầu phát triển đa dạng hóa các kênh bán hàng như Bên thứ 3, Telesales, Trực tuyến.

Cùng chuyên mục
Tin khác