VCSC: VN-Index sẽ đạt 1.450 điểm vào cuối năm 2021 và 1.600 điểm vào cuối năm 2022

Thanh Long - 05/08/2021 14:36 (GMT+7)

(VNF) - VCSC kỳ vọng dòng tiền sẽ luân chuyển vào các cổ phiếu tốt chưa bứt phá.

VNF
VCSC: VN-Index sẽ đạt 1.450 điểm vào cuối năm 2021 và 1.600 điểm vào cuối năm 2022

VN-Index có thể đạt 1.600 điểm vào cuối năm 2022

Trong báo cáo chiến lược đầu tư công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay sự gián đoạn các hoạt động kinh tế do đợt dịch Covid-19 lần thứ tư của Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn so với dự báo trước đây, vì vậy, VCSC đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6,7% xuống 5,5%.

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cho các năm 2022 và 2023 của VCSC không thay đổi, ở mức lần lượt 6,5% và 7,0%.

Nhóm chuyên gia của VCSC tin rằng khu vực sản xuất chế biến/chế tạo sẽ tiếp tục có diễn biến tốt, cả trong ngắn hạn do nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ từ các nền kinh tế phát triển đang phục hồi. Trong trung hạn, xu hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, cùng với việc tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI dồi dào.

Trên cơ sở đó, VCSC tăng dự báo VN-Index mục tiêu từ 1.350 điểm cuối năm 2021 và 1.500 điểm cuối năm 2022 lên lần lượt 1.450 điểm và 1.600 điểm.

Công ty chứng khoán này dự báo tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của VN-Index cho các năm 2021, 2022 và 2023 lần lượt ở mức 33%, 20% và 17%.

Báo cáo của VCSC cũng cập nhật giỏ cổ phiếu theo 2 trường phái "Tích cực" và "Phòng thủ".

VCSC đưa ra giỏ cổ phiếu khuyến nghị theo 2 trường phái khác nhau

“Giỏ tích cực” là các lựa chọn hàng đầu mà VCSC tin rằng sẽ có diễn biến tốt hơn trong kịch bản dự kiến về đà tăng tiếp tục của thị trường. “Giỏ phòng thủ” bao gồm các cổ phiếu mà VCSC đánh giá cao nhưng có đặc điểm tương đối phòng thủ.

Kỳ vọng dòng tiền luân chuyển vào các cổ phiếu tốt chưa bứt phá

VCSC kỳ vọng dòng tiền sẽ luân chuyển vào các cổ phiếu tốt chưa bứt phá.

Công ty chứng khoán này cho hay nhóm ngành tài chính, bất động sản và vật liệu chiếm hơn 90% mức tăng của VN-Index trong 6 tháng đầu năm 2021.

VCSC vẫn tin tưởng rằng các ngân hàng có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và xử lý cho các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19. Tuy nhiên, định giá hiện đã khá phù hợp và dư địa để tái định giá còn khá ít.

"Mặc dù giá cổ phiếu đã tăng, chúng tôi dự báo VPB và TCB là 2 cổ phiếu có tiềm năng tăng giá cao nhất còn lại và đưa 2 cổ phiếu này vào “giỏ Tích cực” của chúng tôi. VCB được lựa chọn vào “giỏ Phòng thủ” do chúng tôi cho rằng chất lượng tài sản của ngân hàng này vẫn ở mức cao và định giá vẫn hợp lý", nhóm chuyên gia cho biết.

Trong khi đó, nhóm chuyên gia dành đánh giá tích cực về nhóm ngành bất động sản.

Cụ thể, VCSC duy trì luận điểm đầu tư cho rằng ngành bất động sản nằm trong nhóm các ngành hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tận dụng xu hướng tăng trưởng dài hạn diễn ra tại Việt Nam cùng với sự nổi lên mạnh mẽ của tầng lớp thu nhập trên trung bình và dân số thành thị gia tăng.

Các yếu tố dẫn dắt tăng trưởng chính cho ngành bất động sản nhà ở vẫn duy trì ổn định, bao gồm cơ sở hạ tầng cải thiện, quy mô hộ gia đình trung bình giảm và tỷ lệ thâm nhập của thị trường cho vay mua nhà thế chấp gia tăng.

"Các cổ phiếu chúng tôi đánh giá cao là các mã bất động sản vốn hóa lớn, VHM và VRE. Chúng tôi cho rằng VHM sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận và gia tăng thị phần thông qua việc mở bán các đại dự án mới trong giai đoạn 2021-2022. Chúng tôi đánh giá cao VRE do tình hình hoạt động và lợi nhuận dự báo phục hồi cùng với việc tiếp tục khai trương trung tâm thương mại mới trong năm 2021.

Chúng tôi cũng đánh giá cao các mã bất động sản vốn hóa trung bình – NLG và KDH – khi chúng tôi dự báo các công ty này sẽ ghi nhận doanh số bán hàng và lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2021-2022. DXG và DIG có thể trở thành những mã cổ phiếu tăng trưởng mạnh, nhưng rủi ro pha loãng trong ngắn hạn từ kế hoạch phát hành riêng lẻ lớn của các công ty này có thể dẫn đến sự không chắc chắn trong tâm lý nhà đầu tư đối với những cổ phiếu này", nhóm chuyên gia của VCSC khuyến nghị.

Với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, VCSC cho rằng triển vọng tích cực trong trung và dài hạn sẽ vẫn được duy trì dù có những khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về tình hình chính trị và xã hội ổn định, chi phí lao động sản xuất tương đối thấp, một số lượng lớn các hiệp định thương mại tự do (FTA) và môi trường kinh tế cải thiện, được thể hiện thông qua các quy định mới toàn diện hơn được đề xuất về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT).

"Các cổ phiếu chúng tôi đánh giá cao trong lĩnh vực này là PHR, KBC và SZC. PHR đang quản lý 1 quỹ đất có giá trị lớn tại tỉnh Bình Dương, dự kiến sẽ được chuyển đổi thành các dự án phát triển KCN, mở khóa giá trị quỹ đất đáng kể cho công ty. KBC và SZC đã định giá thấp các quỹ đất KCN cũng như quỹ đất khu dân cư có giá trị tại các tỉnh thành công nghiệp, nhờ quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang gia tăng tại các khu vực này", nhóm chuyên gia cho hay.

Với ngành thép, VCSC tin rằng biên lợi nhuận của các công ty thép đã đạt đỉnh vào quý II/2021.

Trong khi đó, các cổ phiếu ngành tiêu dùng trong nước đang phải chịu một tác động khác từ làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, tuy vậy, VCSC cho rằng đây chỉ là vấn đề tạm thời. "Triển vọng tăng trưởng vẫn duy trì tích cực và định giá đã dần rẻ hơn", nhóm chuyên gia nhận định.

Theo VCSC, các xu hướng dài hạn lớn trong ngành tiêu dùng vẫn đang tiếp tục diễn ra. Những xu hướng này bao gồm: quy mô tầng lớp trung lưu-thu nhập cao ngày càng mở rộng; tăng trưởng mạnh mẽ của bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử (e-commerce); tiêu dùng số tăng mạnh.

Các lựa chọn cổ phiếu hàng đầu của VCSC bao gồm: PNJ (cơ sở khách hàng có thu nhập cao, nỗ lực mở rộng hệ thống cửa hàng và số hóa giúp duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ); MSN (mảng hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng ở tốc độ 2 chữ số nhờ tăng thị phần và tung ra các sản phẩm mới, mảng bán lẻ đang có diễn biến tích cực về cả doanh số lẫn biên lợi nhuận, ngoài ra các mảng kinh doanh tiêu dùng của Masan còn có giá trị cộng hưởng".

Bên cạnh đó là MWG, dự báo sẽ tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại của Việt Nam nhờ ban lãnh đạo giàu kinh nghiệm và khả năng vận hành xuất sắc, bất chấp rủi ro ngắn hạn lên mảng điện thoại di động và điện máy do Covid-19.

VCSC cũng đánh giá cao loạt cổ phiếu ngành này bao gồm: VTP, CTR, DGW, DHC.

Cùng chuyên mục
Tin khác