VEAM: Cho vay tràn lan, 'bốc hơi' hàng trăm tỷ đồng

Phạm Tuyên - 06/08/2019 08:18 (GMT+7)

Trong Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, do Chánh thanh tra Lê Việt Long ký ban hành tháng 5/2019, cho thấy việc quản lý, sử dụng tài sản tại Tổng Công ty Cổ phần Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) hiệu suất không cao, việc đầu tư không hiệu quả đã gây lãng phí rất lớn tại nhiều đơn vị. Việc đầu tư, cho vay trái quy định, buông lỏng quản lý dưới thời ông Lâm Chí Quang và Trần Ngọc Hà đã khiến cho nhiều đơn vị thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng.

VNF
VEAM, nơi xảy ra nhiều bê bối về tài chính, gây thất thoát vốn và tài sản của nhà nước

Sai phạm chồng chất

Theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2010 đến tháng 6/2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hằng năm đều có lãi nhưng nguồn thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh Honda, Toyota, Ford mang lại nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả.

VEAM đã không ban hành các quyết định về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo đơn vị trực thuộc phù hợp với mô hình mới của VEAM (mô hình công ty mẹ - công ty con). Ngay tại thời điểm ngày 30/4/2014, VEAM không ban hành quy chế hoạt động của người đại diện doanh nghiệp có phần vốn góp của tổng công ty.

Hàng loạt sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ trong giai đoạn 2010 đến 2018 được cơ quan thanh tra chỉ ra sau này cho thấy, sự dính líu và chịu trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thanh Giang (Tổng giám đốc giai đoạn 2010 -2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004 -2011, Tổng giám đốc giai đoạn 2011-2015) và ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc giai đoạn 2015-2018).

Việc quản lý, sử dụng tài sản tại VEAM cũng cho thấy nhiều điều kỳ lạ. Điển hình như năm 2013, khi ghi nhận tài sản cố định VEAM và nhà máy ô tô không kiểm kê chi tiết số tài sản thuộc nhà máy được bàn giao với giá trị tài sản cố định lên tới hơn 652,9 tỷ đồng; để mất 1 ô tô Fortuner trị giá 1 tỷ đồng. Chỉ tính riêng tổng số tiền mua ô tô vượt tiêu chuẩn quy định dành cho các cán bộ có chức danh lên tới hơn 2,63 tỷ đồng.

Cùng đó, năm 2016, VEAM tiếp tục mua một xe Toyota Landcruiser với giá cao hơn mức quy định chi phí xe hợp lý của Bộ Tài chính tới hơn 990 triệu đồng… Đáng chú ý, việc mua xe này không được tiến hành theo hình thức đấu thầu. Tổng số tiền mua xe năm 2016 lên tới hơn 8,75 tỷ đồng.

Mất vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng

Theo thông tin của PV Tiền Phong, ngoài những vi phạm về quản lý tài chính, ông Trần Ngọc Hà cùng các ông Nguyễn Thanh Giang, ông Lâm Chí Quang, ông Phạm Đình Công Nhân (Giám đốc Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo giai đoạn 2006 - 2011) có liên quan và phải chịu trách nhiệm trong nhiều vụ việc khác ở VEAM cũng như ở các đơn vị thành viên trong thời gian ông nắm quyền Chủ tịch HĐQT và  Tổng giám đốc.

Một trong những vụ việc lùm xùm (đã được chuyển hồ sơ cho công an) liên quan đến những sai phạm về quản lý, tài sản, công nợ là việc sử dụng hơn 112 tỷ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn chuyển quyền sử dụng đất 191 và 193 Bà Triệu (Hà Nội) tại Công ty TNHH MTV cơ khí Trần Hưng Đạo trong dự án đầu tư di chuyển và xây dựng mới Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo. Các ông Quang, Hà còn để xảy ra việc Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo chưa xin ý kiến VEAM đã ký phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng tại 18 Tam Trinh (Hà Nội) và tài sản tại Nhà nghỉ Sầm Sơn trong quá trình cổ phần hóa, gây thiệt hại hơn 6,8 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cho thấy, ông Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang còn dính líu đến hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng đất dưới thời điều hành của mình. Điển hình là vụ việc quản lý, sử dụng đất không đúng quy định với Khu đất 25A Vũ Ngọc Phan (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng như khu đất 27B Khu Công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội).

“Việc quản lý không đúng quy định đối với một số khu đất (khu đất số 18 Tam Trinh (quận Hoàng Mai); khu đất 18 Đoàn Trần Nghiệp; khu đất A8/0DK1 với diện tích khoảng 3,4 ha thuộc dự án khu đô thị mới Nam hồ Linh Đàm; khu đất 1.224m2 tại Sông Công (Thái Nguyên) và khu đất của Công ty Disoco ở TPHCM) đã dẫn đến nguy cơ thất thoát, mất tài sản tại. Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thanh Giang, Lâm Chí Quang, Trần Ngọc Hà…”, Kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương nêu rõ.

Ba cựu lãnh đạo VEAM cũng được xác định có liên quan trách nhiệm đối với việc Công ty TAMAC sử dụng sai mục đích hơn 2,7 tỷ đồng từ khoản hỗ trợ hơn 49,7 tỷ đồng của VEAM và hơn 33,7 tỷ đồng từ khoản hỗ trợ di dời cơ sở từ Công ty CIRI.

Bên cạnh việc cho vay tiền tràn lan, ông Trần Ngọc Hà và các cựu lãnh đạo của VEAM còn để xảy ra các khoản nợ đọng kéo dài lên tới cả nghìn tỷ đồng mà theo kết luận thanh tra chưa biết đến bao giờ mới thu hồi được. Cụ thể, các lãnh đạo VEAM đã cho các đơn vị thành viên vay tiền tính lãi suất trái quy định. Một số đơn vị được cho vay, hỗ trợ lãi suất ưu đãi khi kinh doanh không hiệu quả, có nhiều năm thua lỗ khiến các khoản vay này đến nay khó có khả năng thu hồi.

Nhiều công ty nợ VEAM hơn 880 tỷ đồng. Các công ty nợ VEAM khác phải kể đến như Công ty Cổ phần Matexim Hải Phòng nợ 95,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ nợ hơn 136 tỷ đồng; Công ty TNHH Máy kéo và Máy nông nghiệp nợ 68,5 tỷ đồng; Công ty Vetranco nợ 216 tỷ đồng…Chưa kể số nợ quá hạn, khó đòi của các đơn vị thành viên dưới thời các ông Giang, Quang và Hà cũng được ghi nhận đến nay lên tới gần 70 tỷ đồng.

Bộ Công Thương cho hay, đã yêu cầu lãnh đạo VEAM và các đơn vị thành viên kinh doanh thua lỗ cần khẩn trương giải quyết khắc phục và sớm có biện pháp thu hồi vốn (nợ quá hạn có khả năng thu hồi) nhằm bảo toàn vốn của VEAM tại doanh nghiệp. “Một số đơn vị thành viên của VEAM kinh doanh thua lỗ, mất vốn lên tới hơn 379 tỷ đồng. Đến nay, số nợ quá hạn trên 3 năm tại Công ty DISOCO đã lên tới hơn 8,71 tỷ đồng. Nợ khó đòi tại Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo hơn 23,9 tỷ đồng, Công ty TAMAC hơn 27,8 tỷ đồng”, Bộ Công Thương cho hay.

Còn quá nhiều khoản phải thu, tồn kho hàng hóa lớn

Theo một lãnh đạo đương nhiệm của VEAM, có nhiều việc ở tổng công ty đã bị báo cáo sai sự thật với Bộ Công Thương. Ví như: Sự việc Công ty TNHH một thành viên Chế tạo động cơ (VINAPPRO) thuộc VEAM bị sáp nhập, một số người ở VEAM  đã báo cáo không trung thực Bộ Công Thương về khoản nợ IRA. Việc MATEXIM Hải Phòng (đơn vị trực thuộc VEAM) nợ thương mại và cho vay rất lớn từ đó đến nay cũng bị báo cáo sai; Việc chuyển khoản phải thu từ kinh doanh thương mại thành khoản cho vay đầu tư đối với MATEXIM (thuộc VEAM); Việc kinh doanh máy kéo tân trang không tuân thủ quy định tạm nhập - tái xuất của Chính phủ và hậu quả còn đến ngày nay; Việc kinh doanh xe Huantao, Lifan, Mudan với Mekong Auto (như kinh doanh xe Changan hiện nay) để lại hậu quả là những khoản tiền (phải thu) và hàng hóa, vật chất (tồn kho) không thể thu hồi… đều được báo cáo, thông tin không trung thực.

Cũng theo nguồn tin này, hoạt động kinh doanh với VETRANCO dẫn đến một khoản phải thu khó đòi hiện nay (gần 71,5 tỷ đồng). Ngoài ra, VEAM bảo lãnh cho VETRANCO vay ngân hàng dẫn đến tồn tại khoản phải thu hỗ trợ vốn 144,5 tỷ đồng…

 

Theo TPO
Cùng chuyên mục
Tin khác