Venezuela là nền kinh tế ‘khốn khổ’ nhất thế giới 5 năm liên tiếp

Thanh Tú - 27/04/2019 16:22 (GMT+7)

(VNF) - Với tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ đạt mức 8 triệu phần trăm trong năm 2019, Venezuela năm thứ 5 liên tiếp trở thành nền kinh tế "khốn khổ" nhất thế giới.

VNF
Tỷ lệ nghèo tại Venezuela chiếm tới 90% dân số.

Bloomberg vừa công bố Misery Index (Chỉ số khốn khổ) của 62 nền kinh tế trên thế giới. Theo đó, Venezuela lần thứ 5 liên tiếp đứng đầu với hơn 8 triệu điểm, khi lạm phát được dự báo lên tới hơn 8 triệu phần trăm trong năm nay.

Chỉ số khốn khổ (Misery Index) là một thước đo kinh tế do nhà kinh tế học Arthur Orkum, GS kinh tế học ứng dụng tại Đại học John Hopkins, sáng lập. Chỉ số này dùng để đánh giá mức độ khổ trong cuộc sống của người dân tại các quốc gia trên cơ sở phép tính tổng tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất cho vay và lạm phát trên tăng trưởng GDP đầu người trong năm.

Chỉ số này so sánh dự báo trung bình trong năm 2019 của các nhà kinh tế so với số liệu thực tế năm 2018 được công bố. Dự báo được tính tới ngày 11/4/2019.

Cùng với Venezuela, nhóm dẫn đầu chỉ số Misery Index năm nay bao gồm Argentina, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Ukraine. Các quốc gia này đều đang trong cuộc chiến chống lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Kinh tế lâm vào khủng hoảng thời gian dài và sự sa sút của ngành công nghiệp dầu lửa vốn là nguồn sống của nền kinh tế là những nguyên nhân chính khiến Venezuela rơi vào bế tắc.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã đưa ra dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela sẽ tăng trưởng -25% trong năm nay sau khi suy giảm 17% trong năm ngoái và giảm 60% kể từ năm 2013, đồng thời cho biết nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử hiện đại của khu vực.

Trong báo cáo mới nhất đánh giá triển vọng kinh tế khu vực Mỹ Latinh, WB cảnh báo các điều kiện kinh tế, xã hội tại Venezuela sẽ tiếp tục xấu đi nhanh chóng trong thời gian tới do giá dầu giảm, chính sách bất ổn, sự điều chỉnh ngân sách và quản lý kinh tế kém hiệu quả của chính phủ.

WB chỉ trích những chính sách của chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro đưa ra trong lĩnh vực nợ công, ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai đất nước, gây ra tình trạng siêu lạm phát, đồng tiền nội tệ mất giá, hoạt động sản xuất và tiêu dùng giảm.

WB cũng dẫn các nguồn không chính thức khác cho biết tỷ lệ nghèo tại quốc gia Nam Mỹ này chiếm tới 90% dân số, đồng thời cho hay Cơ quan Tị nạn của Liên hợp quốc và Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính số người dân Venezuela rời khỏi đất nước sẽ vượt 5 triệu người vào cuối năm 2019.

Xem thêm >> Điện Kremlin lý giải việc ông Putin chưa chúc mừng tân Tổng thống Ukraine

Cùng chuyên mục
Tin khác