VFS: VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.090 - 1.150 điểm trong tháng 6 và 7

Thanh Long - 26/06/2023 10:07 (GMT+7)

(VNF) - VFS nhấn mạnh niềm tin của nhà đầu tư dần được cải thiện theo những nỗ lực chính sách để phục hồi kinh tế của Chính phủ, do đó xu hướng dòng tiền sẽ tiếp tục cải thiện dần, đồng thời dự báo VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.090 - 1.150 điểm.

VNF
VFS: VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.090 - 1.150 điểm trong tháng 6 và 7

Nêu nhận định về kinh tế vĩ mô Việt Nam trong báo cáo công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đánh giá ngành sản xuất Việt Nam sẽ còn chịu áp lực trong những tháng tới khi triển vọng nhu cầu các thị trường lớn như Mỹ, EU vẫn đang đối mặt với những kịch bản kém tích cực.

Trước đó, số liệu được công bố cho thấy chỉ số PMI tháng 5 ghi nhận tiếp tục giảm từ 47,7 điểm trong tháng 4 xuống còn 45,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Số lượng đơn hàng mới giảm mạnh nhất 20 tháng gần nhất cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục mở rộng đà giảm. Trong bối cảnh nhu cầu các thị trường lớn thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục và hoạt động sản xuất liên tục giảm trong nhiều tháng làm gia tăng lo ngại về thời kỳ suy giám kéo dài.

Khu vực công nghiệp tiếp tục diễn biến chậm chạp khi chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 5 tăng 2,2% so với tháng trước và 0,01% so với cùng kỳ tuy nhiên lý kế 5 tháng đầu năm vẫn giảm 2% so với cùng kỳ.

Đối hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2023 đạt 28,04 tỷ USD, tăng nhẹ 0,6% so với tháng trước và giảm 9,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 5/2023 đạt 26,04 tỷ USD, tăng nhẹ 3,3% so với tháng trước và giảm 20,16% so với cùng kỳ.

"Ngoại trừ tháng 3 mang tính chu kỳ, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì ở vùng thấp tuy nhiên đà giảm có những dấu hiệu cho thấy sự thu hẹp. Với triển vọng kém khả quan của các thị trường thế giới, VFS đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu khó có khả năng đột biến trong những tháng tiếp theo", phía VFS nhìn nhận.

Về lạm phát, VFS đánh giá áp lực lạm phát có khả năng sẽ gia tăng trong những tháng tiếp theo khi Bộ Công Thương đã ban hành quyết định tăng giá điện bán lẻ 3% từ ngày 4/5, dự kiến sẽ phản ánh vào CPI những tháng tiếp theo do chỉ số giá điện, nước sinh hoạt được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng tháng trước đó, vì vậy sẽ có độ trễ.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ảm đạm và chưa có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên Nghị định 08 đã phần nào giúp doanh nghiệp có cơ hội đàm phán lại với trái chủ, giảm áp lực trong ngắn hạn. Mặc dù lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp gia tăng trong những tháng tiếp theo nhưng VFS đánh giá áp lực sẽ không quá lớn do doanh nghiệp

Còn trên thị trường tiền tệ, nỗ lực liên tục giảm lãi suất điều hành liên tục trong vòng 3 tháng cho thấy mục tiêu trọng tâm của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong giai đoạn nửa cuối 2023 là phục hồi kinh tế. VFS đánh giá chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt này sẽ dần được phản ánh rõ hơn vào lãi suất cho vay kể từ đầu quý 3 hỗ trợ tiết giảm chi phí tài chính của nền kinh tế và kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Tựu trung, VFS đánh giá nền kinh tế đang vận động trong pha suy yếu, những tác động từ các chính sách hỗ trợ sẽ cần từ một đến hai quý để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế. Xu hướng thắt chặt tiền tệ của Mỹ đang bước vào những giai đoạn chững lại là cơ sở cho một chính sách tiền tệ linh hoạt của Việt Nam.

Công ty chứng khoán này nhấn mạnh niềm tin của nhà đầu tư dần được cải thiện theo những nỗ lực chính sách để phục hồi kinh tế của Chính phủ, do đó xu hướng dòng tiền sẽ tiếp tục cải thiện dần, đồng thời dự báo VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.090 - 1.150 điểm.

Cùng chuyên mục
Tin khác