Tiêu điểm

Việt Nam 'rộng cửa' duy trì thặng dư thương mại lớn trong trung hạn

(VNF) - Việt Nam có thể duy trì thặng dư thương mại lớn trong trung hạn nhờ quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như trong nước.

Việt Nam 'rộng cửa' duy trì thặng dư thương mại lớn trong trung hạn

Việt Nam 'rộng cửa' duy trì thặng dư thương mại lớn trong trung hạn

Trong 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 202,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó, nhập khẩu đạt 186,1 tỷ USD, giảm 0,7%, dẫn đến mức thặng dư thương mại cao kỷ lục 16,5 tỷ USD so với chỉ 7,3 tỷ USD trong 9 tháng năm 2019.

Nhìn lại, nhu cầu toàn cầu suy yếu do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, bao gồm điện thoại di động & kinh kiện (giảm 7,1%), dệt, may mặc & giày dép (giảm 10,5%) và thực phẩm & sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, cán cân thương mại chuyển dịch tích cực đối với các mặt hàng máy móc & thiết bị, gỗ & giấy và các sản phẩm “khác” đã giúp mở rộng thặng dư thương mại hàng hóa trong 9 tháng.

Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng từ thị trường Mỹ, đặc biệt là máy móc & thiết bị; cùng với đó, tổng mức nhập siêu dầu thô và sản phẩm xăng dầu giảm nhờ giá dầu thô giảm và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động. Thêm nữa, nhu cầu toàn cầu cho các thiết bị bảo hộ y tế (PPE) tăng mạnh do dịch Covid-19. Ngoài ra, xuất khẩu cao hơn và nhập khẩu thấp hơn cho các sản phẩm sắt & thép nhờ mở rộng công suất hoạt động của khu Phức hợp Gang thép Dung Quất cũng là yếu tố thúc đẩy thặng dư thương mại.

Tính theo thị trường xuất khẩu chính, thặng dư thương mại tăng chủ yếu đến từ Mỹ. Trong khi đó, thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hàn Quốc đều giảm. Ở chiều ngược lại, cán cân thương mại giữa Việt Nam với EU, Nhật Bản và ASEAN cho thấy dịch chuyển xấu hơn trong 9 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Trong báo cáo vĩ mô công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) kỳ vọng một số diễn biến trong năm 2020 sẽ ghi nhận sự đảo chiều phần nào trong năm 2021.

Cụ thể, VCSC kỳ vọng nhu cầu toàn cầu phục hồi sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm chính bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2020, như điện thoại di động & kinh kiện, may mặc & giày dép và thực phẩm & sản phẩm nông nghiệp.

Ngược lại, chi tiêu cho đầu tư tăng tốc trở lại có thể làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc và thiết bị và các sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất khác. Tuy nhiên, VCSC cho rằng nhập khẩu cao hơn cho nhóm sản phẩm này sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng cho sản phẩm cuối cùng cao hơn, qua đó tác động tích cực đến cán cân thương mại.

Yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến cán cân thương mại là lượng nhập khẩu hàng tiêu dùng sẽ tăng lên khi nhu cầu trong nước cải thiện và xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến Covid-19 như PPE thấp hơn khi dịch Covid-19 được kiểm soát có thể ảnh hưởng đến cán cân thương mại. Tuy nhiên, hàng hóa tiêu dùng chỉ chiếm 6,5% trong tổng nhập khẩu trong 9 tháng 2020, VCSC kỳ vọng việc nhập khẩu từ hàng hóa tiêu dùng gia tăng sẽ có tác động hạn chế đến cán cân thương mại nói chung trong năm 2021.

Trong trung hạn, VCSC nhận định Việt Nam có thể duy trì thặng dư thương mại lớn, được thúc đẩy bởi quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và trong nước.

Cụ thể, nhu cầu gia tăng từ Mỹ để tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế từ Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ củng cố cho xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng như thặng dư thương mại Việt Nam – Mỹ.

Ngoài ra, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng tốc sự chuyển dịch đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế chi phí nhân công thấp, vị trí địa lý thuận lợi, môi trường vĩ mô ổn định và một loạt các FTA.

"Sự thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang phần còn lại của thế giới", chuyên gia của VCSC nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc mở rộng sản xuất trong nước kỳ vọng giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và/hoặc gia tăng xuất khẩu sẽ có tác động tích cực đến cán cân thương mại. Sự phát triển của sản xuất trong nước có thể giúp cải thiện cơ cấu cán cân thương mại khi giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và gia tăng giá trị gia tăng trong nước.

Định hướng này đã được thể hiện phần nào trong Nghị quyết 115/NĐ-CP ngày 6/8/2020 về khuyến khích các ngành kinh doanh phụ trợ, theo đó, Chính phủ hướng đến mục tiêu các ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ trong nước tại Việt Nam có thể đáp ứng 45% nhu cầu cho sản xuất trong nước vào cuối 2025 và 70% vào cuối 2030.

Tin mới lên