(VNF) - Ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Đối ngoại của Vinamilk khẳng định: “Vinamilk sẽ tiếp tục M&A”. Ông tiết lộ thêm, công ty dự kiến mở rộng nhà máy tại Mỹ, thuyết phục đối tác New Zealand bán lại cổ phần, đồng thời tiếp tục M&A một số nhà máy hoặc các trang trại trong khu vực ASEAN.
Chia sẻ với báo giới mới đây, ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Đối ngoại của Vinamilk khẳng định: “Vinamilk sẽ tiếp tục M&A”.
Theo ông Tuấn, không chỉ riêng ở các tập đoàn trên thế giới mà hiện nay, tất cả các doanh nghiệp muốn phát triển, muốn đẩy mạnh, muốn phát triển bền vững, liên kết để cùng nhau phát triển.
Vinamilk, với doanh thu trên 50 nghìn tỷ, chiếm hơn 50% thị phần tại Việt Nam, đang hướng sang M&A để giải quyết bài toán tăng trưởng.
Dẫn trường hợp thành công bên Mỹ, ông Tuấn cho biết sau khi Vinamilk mua 100% cổ phần, thôn tính nhà máy bên Mỹ, hàng năm, nhà máy này đã mang lợi nhuận hàng triệu USD mỗi năm.
Vị này thông tin thêm, nhà máy tại Mỹ hiện nay đã hoạt động hết công suất. 70% công suất ở Mỹ để phục vụ cho chương trình sữa học đường, 30% là phục vụ cho các siêu thị, thị trường bán lẻ tại Mỹ.
"Hiện nay Vinamilk đang tiếp tục xin giấy phép đầu tư để mở rộng thêm nhà máy bên Mỹ để có một số sản phẩm dành cho người Việt Nam tại khu vực Bắc Cali", ông Tuấn tiết lộ.
Về nhà máy tại thị trường Campuchia, Giám đốc Đối ngoại của Vinamilk cho hay từ khi công ty mua lại 100% cổ phần thì tăng trưởng lợi nhuận của nhà máy này rất tốt, cao nhất trong các đơn vị của Vinamilk.
"Trước kia, Vinamilk nắm 51% cổ phần, đối tác bên Campuchia nắm 49% và họ nắm về tài chính. Khi Vinamilk đề xuất làm các chương trình khuyến dùng hay tất cả các chương trình khác thì họ không đồng ý. Cho nên cứ cầm chừng cầm chừng, tăng trưởng bình quân bình quân thôi, không có một con số vượt bậc. Sau đó thì Vinamilk mới thuyết phục đối tác bán lại cho Vinamilk", ông Tuấn chia sẻ thêm.
Còn ở thị trường New Zealand, ông Đỗ Thanh Tuấn cho hay Vinamilk vẫn đang tiếp tục thuyết phục nhà đầu tư bán bớt cổ phần cho Vinamilk.
"Thị trường New Zealand là nơi mà cung cấp sữa hàng đầu thế giới. Vinamilk cũng muốn chủ động được vùng nguyên liệu. Khi mà có vấn đề gì, biến động gì trên thế giới thì việc có những vùng nguyên liệu như vậy giúp mình chủ động được", vị lãnh đạo của Vinamilk nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho biết thêm trong thời gian tới, Vinamilk sẽ tiếp tục M&A một số các nhà máy hoặc các trang trại trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, vào thời điểm nào thì lúc nào Vinamilk đã chắp bút ký xong và nhảy vào làm thì lúc đó sẽ chia sẻ.
Khoảng 4 tháng gần đây, Vinamilk liên tục chào mua công khai cổ phần của GTNfoods - công ty sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu.
Đến nay, Vinamilk đã nâng sở hữu tại GTNfoods lên trên 40%.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk từng chia sẻ, Vinamilk mong muốn M&A GTNfoods để tăng thị phần sữa. Bà Liên cho biết, cạnh tranh ngành sữa càng lúc càng gay gắt và việc M&A không chỉ để cạnh tranh trong nước mà còn để tạo thành "bó đũa" khó có thể bẻ gãy bởi bất kỳ đối thủ trong và ngoài nước nào.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.