Vingroup: Gã khổng lồ và hành trình thoát khỏi sự lệ thuộc vào bất động sản

Hoàng Lan - 03/05/2018 13:02 (GMT+7)

(VNF) – Năm 2017, hơn 80% tổng doanh thu của Vingroup đến từ bất động sản. Tuy nhiên, bức tranh doanh thu của tập đoàn này dần hé lộ nhiều sự thay đổi khi "gã khổng lồ" đang nắm trong tay 8 mảng kinh doanh.

VNF
Hiện nay, tập đoàn Vingroup đang nắm trong tay 8 mảng kinh doanh

Theo báo cáo kiểm toán hợp nhất 2017, doanh thu của Vingroup trong năm 2017 đạt khoảng 89.350 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu đến từ bất động sản là khoảng 72.345 tỷ đồng, tương đương 80,96% tổng doanh thu.

Nếu so với 7 năm trước đó, năm 2011 (năm Technocom sáp nhập Vinpearl và Vincom), tỷ trọng của doanh thu bất động sản trong tổng doanh thu là 99,91% thì có thể thấy rằng trong 7 năm qua, Vingroup đã nỗ lực rất nhiều trong việc giảm sự lệ thuộc vào bất động sản.

Hiện, mảng bệnh viện góp 2% vào tổng doanh thu. Trong khi đó, tỷ lệ này tại mảng siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bán lẻ là 14,6% và mảng giáo dục là 1,1% (theo báo cáo hợp nhất kiểm toán 2017).

Bình luận về con đường kinh doanh của Vingroup, tờ Nikkei Asia viết: "Vingroup đã đi một chặng đường dài từ năm 2001, khi còn là một công ty bất động sản nhỏ. Mặc dù hiện nay, 80,96% doanh thu của Vingroup vẫn đến từ các hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng tập đoàn này đang cố gắng tạo ra cơ cấu doanh thu đa dạng hơn. Trong đó, những mảng kinh doanh khác như dược phẩm, ô tô…có thể giúp bức tranh doanh thu của tập đoàn này trở nên cân bằng, bớt lệ thuộc vào bất động sản".

Nikkei Asia cũng nhận định: "Vingroup đang nhanh chóng trở thành một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất của Việt Nam, ngay cả khi phần lớn doanh thu của tập đoàn này vẫn đến từ mảng kinh doanh bất động sản".

Hồi đầu tháng 4 vừa qua, Vingroup đã công bố việc thâm nhập vào thị trường dược phẩm với thương hiệu Vinfa. Vingroup cho biết sẽ đầu tư 2.200 tỷ đồng (97,7 triệu USD) vào dự án "Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Thuốc Vinfa" tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Với thương hiệu dược phẩm Vinfa, Vingroup có kế hoạch nghiên cứu và sản xuất thuốc thảo dược truyền thống của Việt Nam. Ở mảng phân phối và bán lẻ dược phẩm, Vingroup cũng sẽ bán các loại thuốc Tây thông qua quan hệ đối tác với các tập đoàn dược phẩm lớn đến từ châu Âu, Mỹ và Úc.

Giai đoạn đầu của dự án "Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Thuốc Vinfa" tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh dự kiến sẽ được khởi động vào tháng 7, trên một khu đất có diện tích 10 ha.

Vingroup đã nhìn thấy cơ hội đến từ việc ý thức bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng cao. Chính vì vậy, ngoài dược phẩm, Vingroup còn sản xuất thực phẩm và thực phẩm chức năng, được bán tại các siêu thị Vinmart và các cửa hàng tiện lợi Vinmart Plus.

Vào tháng 3/2018, Vingroup đã đặt cược vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi thông qua công ty con VinEco. VinEco đã mua lại 60% cổ phần của công ty thức ăn chăn nuôi Việt Thắng. Với tỷ lệ này, Vingroup có thể chi phối toàn bộ hoạt động của công ty thức ăn chăn nuôi Việt Thắng.

Cũng trong những ngày đầu tháng 3, Vingroup chính thức công bố tham gia lĩnh vực giáo dục đại học với thương hiệu Đại học VinUni.

Hôm 3/4, Vingroup đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với Đại học Cornell có trụ sở tại Hoa Kỳ và Đại học Pennsylvania, mở đường cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn toàn cầu.

Trước đó, từ năm 2013, Vinschool - công ty giáo dục thuộc Vingroup, đã mở các trường tiểu học và trung học.

Việc Vingroup mở thêm đại học VinUni là một mục tiêu được đánh giá cao. Đại học VinUni có ba khoa là: Kinh doanh, Công nghệ công nghiệp và Khoa học y tế.

Riêng khoa "Khoa học y tế" được hy vọng sẽ trở thành cánh tay phải cho bệnh viện Vinmec được thành lập vào năm 2014.

Sự tham gia của Vingroup vào ngành công nghiệp ô tô được công bố vào tháng 9 năm ngoái (2017) với sự hỗ trợ của chính phủ. Cú nhảy của Vingroup sang lĩnh vực công nghiệp ô tô vào thời điểm đó đã khiến dư luận hoài nghi vì tình trạng non trẻ của các chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Tuy nhiên, dự án VinFast có vẻ tiến triển tốt: Vào tháng 1/2018, VinFast đã mua một giấy phép sử dụng công nghệ sản xuất độc quyền từ BMV.

Các thông tin chi tiết của thương vụ này không được tiết lộ, kể cả giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, với thương vụ này, Vingroup đã tận dụng được kiến thức từ một nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.

Tờ Nikkei Asia cho biết: "Một số giám đốc điều hành ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản tin rằng giấy phép có thể bao gồm việc sử dụng công nghệ sản xuất độc quyền cho các thành phần quan trọng như hệ thống giảm xóc và động cơ".

Nằm trong kế hoạch thúc đẩy kinh doanh mảng ô tô, Vingroup đã thành lập một trung tâm đào tạo kỹ thuật tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng vào đầu tháng 2/2018. Trung tâm này sẽ hoạt động vào tháng 8.

Chương trình đào tạo kéo dài hai năm rưỡi, bao gồm cả lý thuyết và thực hành, sẽ cung cấp lao động trong ngành máy móc thiết bị điện tử và công nghiệp. Trong năm 2018, Vingroup đặt mục tiêu tuyển sinh 200 học viên cho trung tâm này.

Trung tâm đào tạo kỹ thuật của Vingroup hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức. Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên sẽ có các kỹ năng được chứng nhận tương đương với các kỹ năng cần thiết để làm việc cho một nhà máy sản xuất ô tô tại Đức.

Không chỉ ô tô, VinFast sẽ bắt đầu sản xuất xe máy điện, dự kiến ra mắt vào quý III năm 2018. Trong quý IV năm 2019, công ty dự định tung ra hai mẫu xe "xe hơi quốc gia" đầu tiên của Việt Nam, một chiếc Sedan và một chiếc SUV. Nếu tất cả diễn ra theo kế hoạch, Vingroup sẽ đưa Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu công nghiệp hóa của chính phủ trong năm 2020.

Nikkei Asia nhận định: "Vingroup đã trở thành một tập đoàn khổng lồ và đang tạo sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam cùng với Vietjet Air, Sovico Holdings và tập đoàn FLC".

Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam là khoảng 270,8 nghìn tỷ đồng (12 tỷ USD). Con số này tăng 2,8 lần so với 96 nghìn tỷ đồng năm 2016.

Nikkei Asia nhận định: "Đối với nền kinh tế Việt Nam, sự gia tăng của những người khổng lồ như Vingroup đang thúc đẩy tăng trưởng và công nghiệp hóa".

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.