Tài chính quốc tế

Vốn hóa Facebook giảm kỷ lục, vị trí chủ tịch của Mark Zuckerberg lại ‘lung lay’

(VNF) - Trong phiên giao dịch ngày 26/7, vốn hóa Facebook đã sụt giảm tới 119 tỷ USD, lập kỷ lục công ty có cú giảm vốn hóa lớn nhất lịch sử chứng khoán Mỹ. Các cổ đông của Facebook cho rằng công ty đã không biết cách xử lý khủng hoảng và đề nghị nhà sáng lập Mark Zuckerberg nên rời khỏi vị trí chủ tịch công ty.

Vốn hóa Facebook giảm kỷ lục, vị trí chủ tịch của Mark Zuckerberg lại ‘lung lay’

Vốn hóa Facebook giảm kỷ lục, vị trí chủ tịch của Mark Zuckerberg lại ‘lung lay’.

Trước Facebook, trong lịch sử của thị trường chứng khoán Mỹ chưa có một công ty niêm yết nào mất 100 tỷ USD vốn hóa chỉ trong một phiên giao dịch.

Mức giảm 19% của cổ phiếu Facebook phiên ngày 26/7 cũng là mức giảm lớn nhất của cổ phiếu này kể từ khi được giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Cổ phiếu mạng xã hội lớn nhất thế giới đã bị bán tháo sau khi công ty công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 không như mong đợi.

Điều này phản ánh rõ sự thất vọng của giới đầu tư trước con số doanh thu và lượng người dùng mà Facebook đưa ra. Nỗi thất vọng được đẩy cao hơn khi Facebook nói rằng chi phí sẽ tăng trong thời gian tới, bào mòn tỷ suất lợi nhuận.

Mark hiện đứng ở vị trí thứ 6 trong danh sách top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes.

Tài sản của Mark Zuckerberg, người sở hữu khoảng 400 triệu cổ phiếu của Facebook, cũng vì thế mà bị hao hụt 15,4 tỷ USD. Theo đó, tổng giá trị tài sản của ông hiện xuống còn khoảng 67,1 tỷ USD.

Mức giảm tài sản trên khiến ông Zuckerberg tuột từ vị trí thứ 3 xuống vị trí thứ 6 trong xếp hạng tỷ phú của Forbes.

Trước đó, một trong những cổ đông lớn nhất của Facebook, Trillium Asset Management đã đưa một đề nghị cổ đông, yêu cầu Facebook phải phế bỏ Zuckerberg khỏi chiếc ghế chủ tịch công ty.

Sáu cổ đông lớn khác của Facebook, đầu tư gần 3 tỷ USD vào công ty, cũng đồng quan điểm với Trillium Asset Management cho rằng họ muốn có một chủ tịch độc lập tại Facebook.

Họ lập luận rằng Google, Microsoft, Apple, Oracle và Twitter đều có vai trò CEO và chủ tịch riêng biệt và họ cũng muốn áp dụng điều này với Facebook.

Đây không phải là lần đầu tiên các cổ đông Facebook bất mãn với ông Zuckerberg. Năm ngoái, 51% các nhà đầu tư độc lập bỏ phiếu đẩy nhà sáng lập ra khỏi vị trí chủ tịch. Chuyện này không thành vì Zuckerberg nắm nhiều cổ phiếu loại B giúp ông có quyền biểu quyết lớn.

Xem thêm >> Mỹ ‘nợ’ tiền đóng góp, ngân sách Liên hợp quốc thiếu hụt nghiêm trọng

Tin mới lên