Vốn ngoại ồ ạt rút khỏi chứng khoán Trung Quốc, chuyển dòng tiền sang Nhật Bản

Mộc An - 21/11/2023 12:00 (GMT+7)

(VNF) - Các nhà đầu tư toàn cầu bán tháo số cổ phiếu trị giá hơn 25 tỷ USD tại thị trường Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khôi phục niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

VNF
Các nhà đầu tư toàn cầu vẫn tỏ ra thận trọng với chứng khoán Trung Quốc.

Các thương nhân và nhà phân tích cho biết việc thiếu sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư và tổ chức toàn cầu “đóng băng” giao dịch cho đến khi tăng trưởng phục hồi đủ để khiến thị trường Trung Quốc cạnh tranh với các thị trường khác trong khu vực.

Người đứng đầu một bộ phận giao dịch ngân hàng đầu tư ở Hồng Kông cho biết: “Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Nhật Bản đang tăng trưởng mạnh mé, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan cũng ghi nhận loạt dấu hiệu khởi sắc. Ngay lúc này suy nghĩ của tôi là tôi không nên bị đọng vốn tại Trung Quốc”.

Các nhà đầu tư toàn cầu bắt đầu mua cổ phiếu Trung Quốc với tốc độ kỷ lục vào tháng 1 năm nay trước dự đoán kinh tế nước này sẽ hồi phục mạnh mẽ sau khi bỏ chính sách Zero-Covid (Không Covid).

Tuy nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài đã buộc phải bán tháo các danh mục đầu tư của mình trong những tháng gần đây trước mối lo ngại ngày càng tăng về cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản và các chỉ số tăng trưởng đáng thất vọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo tính toán của Financial Times dựa trên dữ liệu từ Stock Connect của Hồng Kông, kể từ khi chạm mức đỉnh 235 tỷ Rmb (32,6 tỷ USD) vào đầu tháng 8 do chính phủ cam kết cung cấp hỗ trợ chính sách kinh tế đáng kể hơn, dòng vốn nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay đã giảm 77% xuống chỉ còn 54,7 tỷ Rmb (7,7 tỷ USD).

Ông Bruce Pang, kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu và đầu tư bất động sản Jones Lang LaSalle tại thị trường Trung Quốc, cho biết những cam kết sau đó của chính quyền Trung Quốc nhằm cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho các nhà phát triển bất động sản tư nhân đang gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

“Họ đã đưa ra những cam kết tương tự vào mỗi quý trong năm nay, nhưng dữ liệu về giá nhà đất mới nhất cho thấy vẫn cần thêm hỗ trợ chính sách để tạo ra sự phục hồi bền vững cho lĩnh vực bất động sản”, ônh Pang cho hay.

Việc nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu Trung Quốc đã khiến chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến giảm hơn 11% tính theo đồng USD trong năm nay, trong khi các chỉ số chứng khoán ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ tăng 8% đến 10%.

Thay vào đó, các tổ chức tài chính lại ưu ái các thị trường ở Ấn Độ và Hàn Quốc trong năm nay với dòng vốn ròng lần lượt là 12,3 tỷ USD và 6,4 tỷ USD, theo ước tính từ Goldman Sachs.

Trong khi các chiến lược gia tại các ngân hàng đầu tư lớn nhất Phố Wall dự đoán thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ hoạt động tốt hơn vào năm 2024, kỳ vọng về quy mô của những khoản lãi đó lại khác nhau đáng kể.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs gần đây dự báo CSI 300 sẽ kết thúc năm 2024 với mức tăng khoảng 17% so với mức hiện tại nhờ thu nhập cao hơn và định giá cao hơn cho các công ty Trung Quốc.

Các chiến lược gia của Morgan Stanley đã dự đoán mức tăng 7,5% trong 12 tháng tới đối với cổ phiếu Trung Quốc nhưng cảnh báo rằng “chúng tôi không thể loại trừ khả năng tiếp tục giảm phân bổ và chuyển dịch cơ cấu đầu tư ra khỏi Trung Quốc” nếu các nhà hoạch định chính sách không chuyển sang hỗ trợ tăng trưởng tích cực hơn.

Xem thêm >> Người Nga đổ xô mua bất động sản Tây Ban Nha để có ‘thị thực vàng’ châu Âu

Theo Financial Times
Cùng chuyên mục
Tin khác
Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

Đột nhập Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch 'treo' suốt 27 năm

(VNF) - Dự án ở địa phần Đà Nẵng đến nay đã được giải phóng mặt bằng trên một diện tích lớn và vẫn còn một số hộ dân. Những căn hộ dời đi mặt bằng đã được đập để bàn giao mặt bằng sạch.