Ngân hàng

VPBank ‘sống khỏe’ nhờ bán lẻ, thu trái ngọt nhờ lắng nghe khách hàng

(VNF) - Lấy khách hàng làm trọng tâm – giá trị làm nên thương hiệu VPBank đang giúp ngân hàng hái trái ngọt với nguồn thu từ phí tăng trưởng ổn định. VPBank cho biết nhờ lắng nghe, thấu hiểu các nhu cầu thực tế của khách hàng, các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng đang thâm nhập sâu hơn vào đời sống thường nhật của khách hàng.

VPBank ‘sống khỏe’ nhờ bán lẻ, thu trái ngọt nhờ lắng nghe khách hàng

VPBank ‘sống khỏe’ nhờ bán lẻ, thu trái ngọt nhờ lắng nghe khách hàng

Trái ngọt từ bán lẻ

Trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận khả quan với bán lẻ trở thành động lực tăng trưởng chính, bổ trợ cho nguồn thu từ lãi đang đối mặt với nhiều khó khăn trong môi trường lãi suất tăng cao.

Có thể kể tới VPBank, với lợi nhuận trước thuế (PBT) tăng trưởng gần 70% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động dịch vụ có mức tăng gần 60%, góp phần nâng tỷ trọng của thu nhập ngoài lãi trên thu nhập hoạt động (TOI) lên tới hơn 30%.

Nhìn kỹ hơn vào cơ cấu doanh thu, nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng này đến từ hoạt động thanh toán và ngân quỹ, khi trong 9 tháng đầu năm đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ nhờ doanh số giao dịch POS tăng gần 4 lần so với cùng kỳ. Đây là kết quả của cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch, với bán lẻ hàng hóa 3 quý vừa qua tăng 21% so với cùng kỳ, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm vẫn theo đà tăng trưởng tốt, tăng 68% so với cùng kỳ, trong khi thu phí từ thẻ tăng 35%, tương ứng với số lượng thẻ phát hành và giao dịch gia tăng trong 9 tháng đầu năm.

Tính tới cuối tháng 9 vừa qua, quy mô và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng bán lẻ của VPBank, bao gồm cho vay khách hàng cá nhân, SME và FE Credit, đã vươn lên đóng góp gần 70% tổng dư nợ cấp tín dụng của VPBank, với tăng trưởng đạt khoảng 20% so với đầu năm, đưa ngân hàng vào top dẫn đầu thị trường trong mảng bán lẻ. 

Số liệu khả quan trong mảng bán lẻ của VPBank, theo lý giải của ngân hàng này, chính là những trái ngọt thu hoạch sau quá trình chủ động tiếp cận nhu cầu, mong muốn của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ tài chính, để từ đó xây dựng và thiết kế các giải pháp tương ứng, đáp ứng trúng và đúng yêu cầu thực tế hàng ngày.

Theo một lãnh đạo phụ trách khối khách hàng cá nhân của VPBank, nếu trước đây hoạt động phát triển sản phẩm, dịch vụ truyền thống thường xuất phát từ phía ngân hàng, thì bây giờ đó là câu chuyện của sự kết nối và lắng nghe, tìm hiểu khách hàng mong muốn sản phẩm, dịch vụ như thế nào và ngân hàng sẽ xây dựng các giải pháp tương ứng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Để làm được như vậy, các ngân hàng, gồm cả VPBank, đã và đang tập trung đầu tư xây dựng một siêu ứng dụng – một digital banking app dựa trên 3 tiêu chí, gồm giải pháp thông minh, tự động toàn diện và cá nhân hóa, hướng tới phục vụ mọi nhu cầu cuộc sống của khách hàng, từ mở tài khoản, mở thẻ, thanh toán, vay, bảo hiểm đến những sản phẩm đầu tư…

Thói quen thay đổi

Với những ngân hàng đi trước đón đầu xu hướng số hóa ngân hàng, có thể sẽ mất nhiều năm để khoản đầu tư ban đầu chuyển thành lợi nhuận. Tuy nhiên, đại dịch đã trở thành chất xúc tác quan trọng đưa thành công tới sớm đối với những ngân hàng như VPBank.

Theo một nghiên cứu của công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng thực hiện đầu năm 2022, đại dịch đã thay đổi rõ rệt thói quen thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam.

Theo đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có đến hơn 80% người tiêu dùng hiện nay đang sử dụng thẻ, thanh toán qua mã QR và ví điện tử ít nhất một lần một tuần. Trong khi đó, 1/2 số người dùng đã bắt đầu sử dụng thẻ thường xuyên hơn, trong khi 64% và 63% người dùng đã tăng cường sử dụng thanh toán không tiếp xúc qua điện thoại di động và ví điện tử.

Tính thuận tiện luôn là tiêu chí hàng đầu trong sự ưa thích của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán kỹ thuật số, theo sau đó là an toàn tránh lây nhiễm và bảo mật giao dịch.

Đáng chú ý, nghiên cứu cũng chỉ ra sau đại dịch, 65% người tiêu dùng Việt có xu hướng mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ ngưng sử dụng tiền mặt. Cùng với đó là tăng trưởng đáng kể của thanh toán không tiền mặt, với gần 76% người tiêu dùng hiện tại sử dụng ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).

Khi xu hướng dịch chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt được định hình rõ nét, đi đôi với tính thích ứng và đổi mới của ngân hàng đối với hành vi và nhu cầu của khách hàng, không khó nhận ra các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đang dần len lỏi vào đời sống hàng ngày của người dân, từ đó thúc đẩy doanh thu bán lẻ của nhiều ngân hàng, hứa hẹn trở thành một nguồn thu bền vững trong tương lai.

Đơn cử như dịch vụ ngân hàng số VPBank NEO – nhờ liên tục cải tiến, gia tăng các tính năng mới cho người dùng, số lượng giao dịch qua nền tảng này trong 9 tháng đầu năm tăng gần gấp 2 lần, trong khi số lượng khách hàng tăng 67% so với cùng kỳ. Tỷ lệ huy động tiền gửi có kỳ hạn online trên VPBank NEO đạt 71%, tăng 15% so với cuối năm 2021.

Từ khoá: VPBank, VPB, VPBank NEO, FE Credit,
Tin mới lên