Vụ bắt CFO Huawei: Trung Quốc loay hoay cân bằng lợi ích kinh tế và ‘cơn giận dân tộc’

Hoàng Lan - 10/12/2018 07:34 (GMT+7)

(VNF) - Lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng đạt được sự cân bằng giữa việc lên tiếng bảo vệ Giám đốc tài chính (CFO) Huawei nhằm "thỏa mãn cơn giận dân tộc" với việc tiếp tục duy trì mối quan hệ với Hoa Kỳ.

VNF
Giám đốc tài chính (CFO) Huawei, Meng Wanzhou

Chính phủ Trung Quốc cho biết, Chủ nhật vừa qua, họ đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Trung Quốc - Terry Branstad để phản đối việc bắt giữ Meng Wanzhou, giám đốc tài chính của gã khổng lồ điện tử Trung Quốc Huawei.

Trước đó một ngày, tờ Nhân dân Nhật báo, kênh phát ngôn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với chính quyền Canada khi có hành động bắt giữ bà Meng theo lệnh bắt giữ của Mỹ. Bà Meng bị giam giữ tại Canada hơn một tuần trước do bị nghi ngờ có hành vi gian lận liên quan đến lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ ở Iran.

Bài xã luận cảnh báo rằng, nếu không sửa chữa lỗi lầm của mình bằng việc ngay lập tức chấm dứt hành vi vi phạm các quyền hợp pháp của một công dân Trung Quốc và cho người dân Trung Quốc một lời giải thích hợp lý, Canada có thể phải trả giá đắt.

Nhưng tại một hội nghị cấp cao hôm Chủ nhật của Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh với sự tham gia của 4 người đoạt giải Nobel về kinh tế từ Hoa Kỳ, một cố vấn cấp cao của lãnh đạo Trung Quốc đã mở đầu nhận xét của mình bằng cách ca ngợi mối quan hệ kinh tế của hai nước và tránh đề cập đến việc bắt giữ.

Theo cố vấn Ma Jianting - Phó chủ tịch Hội đồng nghiên cứu phát triển, đơn vị tư vấn chính sách của nội các Trung Quốc, nền kinh tế của Trung Quốc và Hoa Kỳ được hợp nhất và không có bất kỳ sự chia tách nào.

Nhận xét của ông Ma là dấu hiệu mới nhất trong nhiều dấu hiệu cho thấy, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn vấn đề Huawei, trong khi vẫn giữ lập trường đủ quyết đoán để thỏa mãn cơn giận dân tộc ở Trung Quốc.

Bắc Kinh đã thực hiện một loạt các bước để cải thiện quan hệ xuyên Thái Bình Dương kể từ khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi kết thúc chiến tranh thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Bà Meng bị giam giữ cùng ngày đó.

Hôm thứ Năm, vài giờ sau khi tin tức về vụ bắt giữ bà Meng ở Canada lan truyền công khai tại Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, Gao Feng nói rằng, Bắc Kinh hoàn toàn tin tưởng vào việc đạt được thỏa thuận trong 90 ngày. Ông cũng xác nhận rằng Nhà Trắng khẳng định Trung Quốc sẽ mua thực phẩm, năng lượng và xe hơi của Mỹ sau thỏa thuận đình chiến, nhưng từ chối cung cấp chi tiết.

Ông Trump đã đồng ý trì hoãn kế hoạch tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1/1/2019.

Những nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc cho biết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thay đổi chính sách kinh tế kể từ thời Chính quyền Mao Trạch Đông, bằng cách kêu gọi một loạt các động thái mở cửa nền kinh tế để thu hút đầu tư thương mại và đầu tư nước ngoài.

Lễ kỷ niệm được quảng bá rầm rộ và là chủ đề của hội nghị vào Chủ nhật tại Đại học Thanh Hoa. Đây là cơ hội để Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện các biện pháp mở cửa thị trường mà không tỏ ra chịu áp lực của Hoa Kỳ.

Một số lựa chọn được xem xét trong danh sách các hành động bao gồm giảm thêm thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới và khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã thực hiện một số động thái theo hướng này trong năm nay và khó có thể đoán được lãnh đạo Bắc Kinh sẵn sàng đi xa đến đâu. Theo tính toán của Bắc Kinh, mức thuế trung bình của Trung Quốc đã giảm xuống 7,5% so với mức 9,8% vào đầu năm nay. Để so sánh, thuế quan trung bình ở Hoa Kỳ là 3,5%, trong khi Liên minh châu Âu là 5%.

Việc bà Meng bị giam giữ có liên hệ đến mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nó đã kích động sự tức giận ở Trung Quốc bởi lẽ Huawei là một trong những công ty tư nhân lớn nhất và thành công nhất trên thế giới và là niềm tự hào quốc gia của Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, hôm thứ Bảy, Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc, Le Yucheng, đã triệu tập đại sứ Canada tại Bắc Kinh, John McCallum, để phản đối hành động bắt giữa bà Meng. Ngày hôm sau, vào Chủ nhật, Đại sứ quán Canada từ chối bình luận về cuộc gặp.

Một lý do của sự phẫn nộ là rất ít người Trung Quốc biết rằng, chính phủ của họ đã âm thầm tạm giữ một số người Mỹ mà không có đơn tố cáo hoặc cáo buộc về hành vi vi phạm của họ.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo vào tháng 1/2017 rằng, các cá nhân không liên quan đến thủ tục tố tụng hoặc bị nghi ngờ có hành vi vi phạm, cũng đã phải chịu lệnh cấm xuất cảnh lâu dài. Đây là cách Trung Quốc buộc các thành viên gia đình hoặc đồng nghiệp của người bị tạm giữ hợp tác với tòa án hoặc điều tra viên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích các lệnh cấm trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10. Tháng trước, ông đã bày tỏ mối quan tâm với lệnh cấm xuất cảnh hai thanh niên Mỹ đến thăm Trung Quốc vào tháng 6 năm ngoái với một quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu Trung Quốc, Yang Jiechi.

Tại phiên điều trần hôm thứ Sáu ở Vancouver, British Columbia, nơi bà Meng bị bắt vào ngày 1 tháng 12 khi đang quá cảnh, các công tố viên Canada nói rằng, bà đã tham gia một kế hoạch lừa gạt các tổ chức tài chính nhằm thực hiện các giao dịch vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran .

Theo ông John Gibb-Carsley - luật sư của Bộ Tư pháp Canada, lệnh bắt giữ bà Meng đã được ban hành tại quận phía đông New York vào ngày 22 tháng 8. Quan hệ thương mại Trung-Mỹ lúc đó đang ở mức thấp , với việc Hoa Kỳ áp dụng thuế quan giai đoạn thứ hai lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Một thẩm phán người Canada sau đó đã ra lệnh bắt giữ bà Meng vào ngày 30 tháng 11, sau khi biết bà sẽ thay đổi máy bay ở Vancouver trên đường đến Mexico từ Hồng Kông. Đến cuối ngày thứ Sáu, bà Meng không được bảo lãnh. Phiên điều trần tiếp tục vào sáng thứ Hai.

Huawei nói rằng họ không biết về hành vi vi phạm của bà Meng. Trong một tuyên bố được đưa ra sau phiên điều trần hôm thứ Sáu, một phát ngôn viên của công ty cho biết, chúng tôi tin tưởng rằng hệ thống pháp lý của Canada và Hoa Kỳ sẽ đi đến kết luận đúng đắn.

Chính phủ Hoa Kỳ đã xem xét hoạt động kinh doanh của Huawei tại Iran trong nhiều năm. Sau khi điều tra các hành vi vi phạm trừng phạt của đối thủ chính Trung Quốc của Huawei, ZTE, Bộ Thương mại đã đưa ra các khoản phạt nặng và yêu cầu Huawei thay thế lãnh đạo cấp cao.

Trong năm 2018, khi Mỹ tiến hành một loạt các hành động nhằm ngăn chặn nỗ lực phát triển công nghệ thông qua gian lận của Trung Quốc, vụ bắt giữ bà Meng đã củng cố niềm tin của nhiều người ở Trung Quốc, rằng Washington đang sử dụng mọi biện pháp để kìm hãm nền kinh tế của quốc gia họ . Cảm giác đó khiến các nhà cải cách kinh tế Trung Quốc khó khăn hơn trong việc hỗ trợ các thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ.

Trung Quốc sẽ không tạo ra rắc rối, nhưng họ cũng không sợ rắc rối, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cho biết trong bài xã luận của mình. Không ai nên đánh giá thấp sự tự tin, ý chí và sức mạnh của Trung Quốc.

Theo NYTimes
Cùng chuyên mục
Tin khác