Tài chính quốc tế

Vụ bắt tàu Ukraine: Ông Putin từ chối điện đàm với Tổng thống Poroshenko

(VNF) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mới đây tiết lộ ông đã đề xuất điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngay trong đêm 25/11, tuy nhiên không nhận được hồi đáp.

Vụ bắt tàu Ukraine: Ông Putin từ chối điện đàm với Tổng thống Poroshenko

Tổng thống Nga Putin từ chối điện đàm với Tổng thống Ukraine Poroshenko sau vụ bắt giữ tàu chiến Ukraine.

"Đêm đó (25/11), tôi đã yêu cầu điện đàm với ông Putin, nhưng không có phản hồi gì. Tôi đã phải nhờ Thủ tướng Đức nói chuyện với ông Putin về yêu cầu trao trả ngay lập tức các thủy thủ và tàu thuyền của Ukraine," ông Poroshenko phát biểu trên truyền hình Ukraine tối 27/11.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 27/11 cũng cho biết, "chưa có cuộc liên lạc điện thoại nào giữa hai tổng thống" kể từ sau vụ Nga tạm giữ ba tàu hải quân cùng thủy thủ của Ukraine hôm 25/11.

Trước đó, AFP dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với  Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 26/11.

Trao đổi với bà Merkel, Tổng thống Putin khẳng định các tàu Ukraine đã vi phạm các điều lệ của luật pháp quốc tế khi cố ý "phớt lờ" các quy tắc về hành lang hòa bình qua lãnh hải của Liên bang Nga. Ông Putin cũng bày tỏ hy vọng rằng, Berlin sẽ gây ảnh hưởng đến chính quyền Ukraine để ngăn họ không đưa ra quyết định vội vàng trong tương lai.

Các tàu chiến Ukraine bị Nga bắt neo đậu tại cảng Kerch, bán đảo Crimea hôm 26/11.

Ông Putin cho rằng lãnh đạo Ukraine chịu trách nhiệm hoàn toàn cho việc tạo ra một tình huống xung đột khác và cho những rủi ro liên quan. Tất cả việc trên rõ ràng được thực hiện trong toan tính cùng với chiến dịch bầu cử của Ukraine.

Việc Nga bắt giữ ba tàu hải quân cỡ nhỏ và 23 thủy thủ Ukraine ngày 25/11 tại eo biển Kerch là xung đột vũ trang nghiêm trọng đầu tiên kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Nga cho rằng những tàu này đã xâm phạm lãnh hải Nga ở Biển Đen một cách bất hợp pháp. Đáp lại, Ukraine cáo buộc tàu Nga nổ súng khi ba tàu của họ đã rút khỏi khu vực cách lãnh hải Nga 20 km.

Trong khi thực hư vụ việc còn đang tranh cãi, Quốc hội Ukraine ngày 26/11 đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Poroshenko áp đặt thiết quân luật tại những khu vực có nguy cơ bị tấn công gần biên giới trong 30 ngày.

Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 27/11 hối thúc các nước tăng cường trừng phạt Moscow. Anh, Pháp, Ba Lan, Đan Mạch và Canada cũng đều đồng loạt lên án Nga. NATO mặc dù kêu gọi kiềm chế và giảm căng thẳng nhưng cũng yêu cầu Nga đảm bảo tàu thuyền của Ukraine ra vào biển Azov theo luật quốc tế.

Xem thêm >> Phái bộ ngoại giao tại Ukraine liên tiếp bị tấn công, Nga mở điều tra hình sự

Tin mới lên