Vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo: Hiệp hội lương thực Việt Nam ‘tố’ nhiều điểm bất thường

Bội Thu - 15/04/2020 19:27 (GMT+7)

(VNF) – Đối với các tờ khai đăng ký hải quan kể từ thời điểm 0h ngày 11/4, đã có số tờ khai và đã phân vào luồng đỏ. Tuy nhiên, đến ngày 13/4, sau khi tải kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này “tự động” bị lùi về thời điểm 10/4/2020. Đây là một trong những điểm bất thường của việc mở tờ khai xuất khẩu gạo – theo Hiệp hội lương thực Việt Nam.

VNF
Vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo: Hiệp hội lương thực Việt Nam ‘tố’ nhiều điểm bất thường

Ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có báo cáo nhanh về tình hình khai báo hải quan của các hội viên là thương nhân xuất khẩu gạo sau khi văn bản số 1106 của Bộ Công Thương có hiệu lực từ lúc 0h ngày 11/4.

Thương nhân xuất khẩu gạo "hoàn toàn bị động" trước việc mở tờ khai lúc nửa đêm

Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA, cho biết ngày 10/4 vừa qua, sau 18 ngày hàng hóa sẵn sàng nằm ngoài cảng chờ lệnh cho phép xuất trở lại, các thương nhân nhận được quyết định về hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020 ở mức 400.000 tấn.

Một số thương nhân lo sợ sự kiện “0 giờ” tái lập nên đã bố trí nhân sự trực canh khai tờ khai hải quan xuyên đêm, nhất là cột mốc 0 giờ ngày 11/4.

Các thương nhân đã truyền đủ dữ liệu cần thiết và theo dõi thường xuyên hệ thống khai báo hải quan đến 23 giờ ngày 11/4 nhưng không nhận được phản hồi từ hệ thống của hải quan do vẫn bị khóa.

Sau 23 giờ ngày 11/4, một số thương nhân đã tạm ngừng theo dõi hệ thống khai hải quan vì không nghĩ rằng hệ thống sẽ mở lúc 0h ngày Chủ nhật (12/4/2020) - ngày nghỉ cuối tuần và không có cán bộ hải quan tiếp nhận làm việc.

Điều đáng nói theo lãnh đạo VFA, từ ngày 24/3 - 10/4, phía cơ quan hải quan đã nắm rất rõ về việc có hàng trăm nghìn tấn gạo của nhiều thương nhân đã lên đến các cảng, sẵn sàng cho xuất khẩu và chưa thể đăng ký tờ khai hải quan cũng như thông quan được do lệnh tạm dừng.

“Tuy nhiên, việc đăng ký tờ khai bất ngờ được triển khai lúc 0 giờ ngày Chủ nhật mà không có một thông tin chính thức nào trước đó cũng như không có nhân sự nào của Hải quan tiếp nhận hay trực hệ thống ngay thời điểm nhạy cảm đã khiến các thương nhân hoàn toàn bị động”, ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết.

Cũng theo vị lãnh đạo của VFA, khoảng 3 tiếng sau đó, một số thương nhân tiếp tục thực hiện thao tác truyền dữ liệu để khai hải quan thì hệ thống báo đã bị chặn hoặc chỉ nhận được phản hồi từ hệ thống của hải quan số tờ khai được tiếp nhận, nhưng không được phân luồng, như vậy, việc khai hải quan xem như chưa thành công dù đã có sổ tiếp nhận.

Đến sáng sớm cùng ngày, thông tin từ các doanh nghiệp truyền nhau rằng hệ thống đã đóng từ lúc 2 giờ 30 phút sáng và số lượng đã khai báo thành công là 399.989 tấn trong vòng 2 tiếng 30 phút.

“Điều đó có nghĩa là rất nhiều thương nhân đang có hàng sẵn sàng trên cảng không được phép xuất khẩu và phải đối diện với tất cả các chi phí phát sinh từ các container hàng trên cảng phải ngừng do lệnh tạm dừng xuất khẩu từ 18 ngày trước, thậm chí có nguy cơ phá sản do chi phí phát sinh mỗi ngày lên tới hàng trăm triệu đồng và nghĩa vụ bồi thường hợp đồng cho khách hàng”, ông Nguyễn Ngọc Nam cho hay.

Theo số liệu của VFA, tính đến ngày 15/4, đã có 41 thương nhân gửi văn bản về văn phòng hiệp hội cập nhật số lượng gạo đang chờ xuất tại cảng và đóng tại kho.

Cụ thể: số lượng gạo các loại đã nhận được số tờ khai, được phân luồng đỏ, đang chờ thông quan (mở tờ khai hôm 12/4) là 58.209 tấn; số lượng gạo các loại đã nhận được số tờ khai, được phân luồng đỏ nhưng không được ghi nhận (mở tờ khai ngày 11/4 và 13/4) là 14.268 tấn; số lượng gạo các loại đã nhận được số tờ khai, tuy nhiên chưa được phân luồng là 18.193 tấn; số lượng gạo các loại chưa mở được tờ khai, đang chờ xuất tại cảng và hàng đóng tại kho là 55/782 tấn.

Những điểm bất thường khác

Theo VFA, việc xuất khẩu gạo còn nhiều điểm bất cập không rõ nguyên do.

Trước hết, một số thương nhân đã gặp phải tình huống lạ, đó là các tờ khai đăng ký hải quan kể từ thời điểm 0h ngày 11/4, đã có số tờ khai và đã phân vào luồng đỏ. Tuy nhiên, đến ngày 13/4, sau khi tải kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này “tự động” bị lùi về thời điểm 10/4/2020.

VFA đã ghi nhận ít nhất 3 thương nhân như vậy và các thương nhân hiện vẫn chưa tìm được câu trả lời cho tình huống này.

Thậm chí, có cả trường hợp các tờ khai hải quan đã có số tờ khai nhưng chưa phân luồng, đã được ghi nhận trước đó, đến thời điểm sáng ngày 14/4 lại bị mạng hải quan xóa bỏ khi chưa đủ 15 ngày theo quy định.

Theo VFA, một số phản ánh của các thương nhân cho thấy việc phân bổ hạn ngạch thông qua hình thức đăng ký hải quan trừ lùi như hiện nay chưa gắn liền với nghĩa vụ thu mua lúa gạo trong dân của một số thương nhân, cũng như quy mô, năng lực giao dịch hiệu quả thực tế của các thương nhân.

Ngoài ra, VFA cũng cho hay, theo phản ánh của một số thương nhân, trong số các thương nhân truyền được tờ khai rạng sáng 12/4, có không ít thương nhân chưa tập kết hàng ở cảng thời điểm đó hoặc tập kết chưa đủ mà chỉ truyền tờ khai để giữ chỗ.

Trong khi đó, có rất nhiều thương nhân đã tập kết hàng hóa sẵn sàng (đảm bảo đầy đủ điều kiện để đăng ký tờ khai chờ thông quan) ở cảng chờ xếp tàu, đóng container, thậm chí có lô hàng đã đóng container từ trước ngày 24/3 mà vẫn chưa truyền được tờ khai hải quan. Thực trạng này khiến các thương nhân bị thiệt hại nặng nề.

VFA cũng ghi nhận các phản ánh về trường hợp hàng đi bằng tàu rời, do bên khách hàng điều tàu và tàu đã vào phao chỉ định từ những đầu tháng 4/2020 và một số tàu sẽ cập phai giữa tháng 4/2020.

"Các thương nhân cũng đã ghi nhận dấu hiệu cạnh tranh chưa lành mạnh trong giao dịch thương mại như: khó khăn trong thuê bãi container, thuê tàu vì đây là một trong các điều kiện để thông quan và đặc biệt là một số thương nhân chào bán giá thấp để lấy hợp đồng ký hạn ngạch", VFA cho hay.

Xuất khẩu gạo trong tháng 4 - 5 ảnh hưởng đến sự sống còn của thương nhân

VFA cho hay với tình trạng hàng hóa với số lượng lớn nằm tại bãi chờ xuất của các cảng trong thời gian dài, mỗi ngày các thương nhân phải chịu các khoản chi phí rất lớn như: phí lưu bãi, lưu container; chi phí vận chuyển, chi phí xuất khẩu (giám định, khử trùng, kiểm dịch,...); lãi suất ngân hàng bị phạt bồi thường hợp đồng, chi phí nhân công tại các cảng ngày càng đắt đỏ do tình hình giãn cách toàn xã hội nhằm đối phó với dịch bệnh Covid-19...

Tổng các chi phí này của từng thương nhân đã là không nhỏ và con số này nếu tính cho tất cả các thương nhân đang có hàng hóa sẵn sàng chờ xuất tại các cảng là rất lớn.

“Việc xuất khẩu đình trệ nhưng các chi phí vẫn phát sinh và thậm chí mỗi ngày trôi qua chất lượng gạo cũng bị ảnh hưởng, vì vậy nếu các lô hàng này không được thông quan và xuất khẩu, các thương nhân sẽ thiệt hại hàng tỷ đồng”, VFA nhấn mạnh.

Cũng theo VFA, đối với những lô hàng giá trị lớn đã sẵn sàng tại các cảng, thương nhân không giao hàng kịp thời sẽ phải đền bù hợp đồng cho khách hàng nước ngoài và đây là một khoản thiệt hại nặng nề nằm cả ngoài những trường hợp bất khả kháng.

VFA nhấn mạnh: Nếu không thông quan và xuất khẩu được trong tháng 4 và tháng 5, một số thương nhân sẽ không có nguồn tiền thu để trả nợ ngân hàng đúng hạn, thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng đến uy tín và sự sống còn của thương nhân.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng chịu ảnh hưởng kéo theo là điều không tránh khỏi, nhất là khi ngành gạo là một trong những ngành hàng lớn và chủ lực, đem về nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia…

Cùng chuyên mục
Tin khác