Vụ trúng thầu đất Thủ Thiêm nhưng không nộp tiền: Có thể thu hồi dự án

Trần Lê - 04/03/2022 17:14 (GMT+7)

(VNF) - Chiều 4/3, Ủy ban nhân dân TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 2, cùng 2 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ tháng 3 năm 2022.

VNF
4 lô đất doanh nghiệp đã trúng thầu ở Thủ Thiêm.

Báo cáo tại hội nghị, liên quan đến việc bán đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo đại diện Cục Thuế TP. HCM, vụ việc 4 lô đất đấu giá tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt về xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Đến nay hai doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega chưa nộp tiền sử dụng đất. Hai doanh nghiệp này lần lượt trúng thầu lô đất số 3-5 và lô đất số 3-8, phải đóng tiền sử dụng đất lần lượt là 3.820 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng.

Trong việc xử lý, Cục Thuế TP. HCM sẽ tiếp tục cùng các cơ quan, ban, ngành đôn đốc các doanh nghiệp, gửi thư nhắc nhở; nếu các doanh nghiệp trễ hẹn nộp tiền trên 90 ngày, dự kiến biện pháp cao nhất là đề nghị không thực hiện, thu hồi dự án.

Liên quan đến vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, đầu tháng 2/2022, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9 khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trước đó, đầu tháng 1/2022, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã rút lui khỏi lô đất 3-12 - lô đất có giá trúng cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm, trung bình mỗi m2 lên tới 2,45 tỷ đồng.

Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng vừa có một số kiến nghị đến UBND Thành phố nhằm hoàn thiện các quy định về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư của các dự án đầu tư có sử dụng đất nói chung và tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng.

Theo đó, Viện đề xuất cần điều chỉnh các biện pháp chế tài như thông báo công khai về hành vi bỏ cọc của doanh nghiệp, không được phép tham gia đầu tư dự án trong vòng 2 năm nếu doanh nghiệp có hành vi bỏ cọc. 

Theo báo cáo của UBND TP. HCM, kinh tế thành phố 2 tháng qua đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trên các lĩnh vực. Hoạt động ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.169.000 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 0,81% so với cuối năm 2021; Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 2.934.300 tỷ đồng, tăng 1,0% so với cuối tháng trước và tăng 3,54% so với cuối năm 2021.

Ước tính tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) thực hiện là 88.044,567 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ. 

Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 5.787,566 tỷ đồng, đạt 5,81% dự toán, giảm 39,62% so với cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 11,82% dự toán, tăng 1,80% so với cùng kỳ.

Cùng chuyên mục
Tin khác