TP. HCM kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo Trung tâm tài chính quốc tế

Trần Lê - 02/03/2022 08:31 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 1/3, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi ký văn bản khẩn gửi Thủ tướng và Bộ Tài chính báo cáo tiến độ xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM.

VNF
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cùng đại diện UBND TP. HCM ký biên bản ghi nhớ việc nghiên cứu lập Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM

Theo đó, UBND TP. HCM đã hoàn thành dự thảo lần 1 của đề án, trong đó làm rõ mô hình Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM, các chương trình hành động cùng với các kiến nghị về cơ chế - chính sách.

TP. HCM cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, đại diện các tổ chức tài chính - kinh tế, các trường đại học nhằm hoàn thiện dự thảo lần 1 của đề án.

Trên cơ sở các tiếp thu ý kiến đóng góp tại hội thảo, UBND TP. HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án để có lịch làm việc cụ thể với từng Bộ, ngành, cơ quan Trung ương. 

TP. HCM dự kiến sẽ hoàn chỉnh đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm nay.

Để kịp tiến độ, UBND TP. HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM do một Phó Thủ tướng là Trưởng Ban chỉ đạo.

Các thành viên chính gồm lãnh đạo các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và lãnh đạo UBND TP. HCM.

Mô hình Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM được xây dựng gồm ba phần.

Thứ nhất là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, với mục tiêu thu hút và phát triển ngân hàng theo hướng hình thành các tập đoàn tài chính. Thúc đẩy các dịch vụ và thị trường tiền tệ mới gắn với đổi mới công nghệ tập trung phát triển các start-up về công nghệ tài chính (Fintech) và ngân hàng số.

Thứ hai là thị trường vốn, bao gồm phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp; dịch vụ quản lý quỹ đầu tư và quản lý tài sản phục vụ nhà đầu tư nội địa và quốc tế...

Thứ ba là thị trường hàng hóa phái sinh, gồm việc hình thành và phát triển Sở Giao dịch hàng hóa TP. HCM; kết nối với các sở giao dịch hàng hóa và nhà đầu tư toàn cầu...

Theo lộ trình này, từ đây đến năm 2025, TP. HCM tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Từ 2026- 2030 phát triển TP. HCM thành Trung tâm tài chính khu vực.

Giai đoạn 2031 trở đi, phát triển TP. HCM thành Trung tâm tài chính toàn cầu.

Để triển khai ngay đến năm 2025, thành phố đặt ra 4 chương trình hành động: Phát triển Fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực; phát triển Khu Tài chính - Thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa tại trung tâm tài chính quốc tế TP. HCM.

Cùng chuyên mục
Tin khác