Vừa gặp mặt thượng đỉnh, Mỹ lại dọa áp thêm trừng phạt với Nga

Minh Đăng - 21/06/2021 13:34 (GMT+7)

(VNF) - Dù đánh giá hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Punin có nhiều bước tiến tích cực, Washington mới đây tuyên bố sắp giáng loạt đòn trừng phạt lên Moscow liên quan tới vụ đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny.

VNF
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Punin.

"Chúng tôi đã tập hợp các đồng minh châu Âu trong nỗ lực chung nhằm buộc Moscow trả giá vì hành động sử dụng hợp chất hóa học để đầu độc chính công dân của họ trên đất Nga", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói trên truyền hình hôm 20/6.

“Chúng tôi đang chuẩn bị một gói trừng phạt mới trong vụ này, cho thấy Mỹ sẽ không ngừng gia tăng áp lực dù đó là can thiệp bầu cử hay Navalny, khi phải đáp trả những hoạt động gây hại của Nga”, ông Sullivan nhấn mạnh thêm.

Liên quan tới dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), ông Sullivan cho biết "cứ 90 ngày, ông Biden sẽ lại áp trừng phạt với các tổ chức của Nga tham gia vào xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Ông Biden đã và sẽ tiếp tục làm như vậy".

Tuyên bố cứng rắn của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Punin vừa có hội nghị thượng đỉnh tại Geneva, Thụy Sĩ. Cả hai nhà lãnh đạo đều nói cuộc gặp diễn ra tích cực nhưng không đạt được bước đột phá lớn nào.

Đáp lại động thái này của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng phản đối, cho đó là những “hành động phi pháp” và cảnh báo Nga sẽ có phản ứng phù hợp.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov thì nhấn mạnh rằng Mỹ đang chọn hướng đi không dẫn đến kết quả tích cực, là một “sự việc đáng buồn”.

"Tôi nghĩ không thể ổn định và cải thiện quan hệ song phương thông qua cấm vận", đại sứ Antonov nhấn mạnh thêm.

Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov thì nhận định rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ chống lại các công ty của Nga liên quan đến “Dòng chảy phương Bắc 2” có thể dự đoán được.

“Chúng ta có xu hướng coi các hội nghị thượng đỉnh như vậy là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới trong quan hệ - hướng tới sự cải thiện. Nhưng ở Washington họ có cách tiếp cận khác", ông Pushkov viết trên Telegram.

Theo ông, chính quyền ông Joe Biden ngay từ đầu đã loại bỏ khả năng "tái thiết", thậm chí không đả động gì đến khả năng dỡ bỏ hoặc ít nhất là sửa đổi một phần các lệnh trừng phạt. Đồng thời ngay từ đầu Mỹ đã nhấn mạnh rằng họ coi hội nghị thượng đỉnh như một diễn đàn để thảo luận các vấn đề quan trọng đối với Washington, chứ không phải là cơ sở để thay đổi thái độ đối với Nga và chính sách của nước này.

Trước đó, sau cuộc gặp thượng đỉnh được đánh giá tích cực của ông Putin và ông Biden, Nga khẳng định vẫn chưa loại Mỹ khỏi danh sách các quốc gia không thân thiện.
 Xem thêm >> Sau Nhật Bản, tới lượt Mỹ viện trợ 2,5 triệu liều vaccine Covid-19 cho Đài Loan

Theo Sputnik, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác