Vượt ‘ải cuối’ Ba Lan, EU chính thức áp trần giá dầu của Nga 60 USD/thùng
Tâm An -
03/12/2022 07:58 (GMT+7)
(VNF) - Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận về mức trần 60 USD/thùng đối với giá dầu của Nga vào ngày 2/12, mở đường cho nhóm G-7 khởi động cơ chế cứng rắn chưa từng có với Moscow vào đầu tuần tới, theo Wall Street Journal (WSJ).
Thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU) được đưa ra sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng để đưa ra một mức trần phù hợp. Kết quả được công bố sau khi Uỷ ban châu Âu giải quyết những nỗ lực vào phút cuối của Ba Lan nhằm hạ thấp mức giới hạn mà cơ quan điều hành của khối đề xuất ban đầu là từ 65 - 70 USD/thùng.
Giới hạn giá sẽ được xem xét thường xuyên để theo dõi sự phân nhánh thị trường của nó, nhưng nó phải “thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường trung bình”, một tài liệu của EU có chi tiết về mức trần cho biết.
Mức giá trần mới sẽ cấm các công ty phương Tây bảo hiểm, cấp vốn hoặc vận chuyển dầu của Nga trừ khi dầu được bán dưới 60 USD/thùng. Mỹ và các đồng minh đã xây dựng biện pháp này nhằm cắt giảm doanh thu dầu mỏ của Moscow trong khi vẫn giữ dầu của Nga, một phần quan trọng trong nguồn cung toàn cầu, có sẵn trên thị trường. Đây là phương pháp được cho là sẽ tước đoạt nguồn doanh thu khổng lồ Moscow dùng để tài trợ cho cuộc chiến tại Ukraine.
Đặc biệt, do EU và Anh sẽ thực hiện lệnh cấm vận đối với sản phẩm dầu thô của Nga vào ngày 5/12 tới, việc áp giá trần này nhằm vào việc Nga bán dầu cho phần còn lại của thị trường toàn cầu.
Tuyên bố chính thức dự kiến sẽ được Liên minh châu Âu đưa ra vào ngày 4/12.
Theo WSJ, các quan chức chính quyền Biden và các nước thuộc nhóm G-7 đã hy vọng chọn được mức trần giá vài tuần trước, nhưng những bất đồng với châu Âu về mức độ khắc nghiệt của hình phạt liên tục khiến nỗ lực bị trì hoãn.
Do đó, phương Tây đang gấp rút hoàn tất lệnh trừng phạt thử nghiệm đối với một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới chỉ vài ngày trước khi lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga bắt đầu có hiệu lực vào thứ Hai (5/12).
Trước đó, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đã bày tỏ lập trường cứng rắn, thúc đẩy mức trần chỉ ở quanh 30 USD/thùng, trong khi Hy Lạp, Síp và Malta, những quốc gia có ngành vận tải biển nội địa đóng vai trò chính trong vận chuyển dầu quốc tế của Nga, yêu cầu giới hạn giá là 70 USD.
Trong suốt quá trình đàm phán, đại diện ngoại giao các nước đã cố gắng tìm kiếm một điểm trung hoà giữa các bên, với mức giá điều chỉnh lần đầu là 65 USD và sau đó là 62 USD/thùng, nhưng vẫn không nhận được cái gật đầu từ các quốc gia Đông Âu.
Về phía Moscow, các quan chức Nga đã nhiều lần đe dọa cắt giảm xuất khẩu dầu để đáp trả mức trần, thậm chí Bloomberg còn đưa tin Điện Kremlin đang soạn thảo nghị định để chính thức cấm các quốc gia ủng hộ việc áp trần giá nhập khẩu dầu. Theo phía Moscow, lệnh trừng phạt của phương Tây bóp méo động lực thị trường và có thể dẫn đến sự gia tăng lớn về giá toàn cầu.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone