Vượt mặt tỷ phú tự thân Brian Kim, 'thái tử Samsung' giành lại ngôi giàu nhất Hàn Quốc

Minh Đăng - 29/09/2021 12:35 (GMT+7)

(VNF) - Brian Kim (Kim Beom-su), nhà sáng lập công ty ứng dụng tin nhắn Kakao Corp, đã bị đánh bật khỏi vị trí tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc sau khi tài sản “bốc hơi” 4,5 tỷ USD từ mức đỉnh hồi tháng 6, theo Bloomberg.

Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong.

Hồi tháng 6, ông Brian Kim (55 tuổi), trở thành tỷ phú tự thân giàu nhất tại Hàn Quốc với khối tài sản ròng lên tới 14,8 tỷ USD, tăng hơn 6 tỷ USD so với đầu năm.

Vượt qua người thừa kế của gia tộc khổng lồ Samsung Lee Jae-yong (khi đó sở hữu 12,1 tỷ USD), ông Kim trở thành một ví dụ điển hình về sự trỗi dậy của các doanh nhân công nghệ tự thân trong giới tài chính.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chính phủ Hàn Quốc đang có những động thái siết chặt kiểm soát các công ty công nghệ lớn đã khiến giá cổ phiếu Kakao Corp giảm 24% trong tháng 9, kéo theo tài sản của ông Kim giảm xuống còn 10,3 tỷ USD, giảm 4,5 tỷ USD so với mức đỉnh vào tháng 6.

Kakao cũng đã mất 15 tỷ USD giá trị thị trường trong bối cảnh các nhà đầu tư bán tháo.

Với mức sụt giảm tài sản ít hơn, Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong đã giành lại vị trí giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản ròng 10,7 tỷ USD.

Ông Lee Jae-yong nằm trong số 810 tù nhân được Bộ Tư pháp Hàn Quốc phóng thích nhân Ngày Giải phóng Hàn Quốc (15/8).

Bộ trưởng Tư pháp Park Beom-kye cho biết tình hình kinh tế của đất nước, các điều kiện kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19 được xem là những yếu tố để bộ cân nhắc để đưa ra quyết định trên.

Mặc dù động thái này của Bộ Tư pháp sẽ làm giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về khoảng trống trong ban lãnh đạo Samsung, nhưng việc ông Lee có thể tiếp tục làm lãnh đạo tập đoàn hay không vẫn là một vấn đề nan giải.

Vào tháng 7, Samsung đã công bố thu nhập quý 2 của mình, cho thấy doanh thu tăng 20% và lợi nhuận hoạt động tăng 54% so với quý năm trước.

Hàn Quốc siết chặt kiểm soát các đại gia công nghệ

Ủy ban Giám sát tài chính (FSC) của Hàn Quốcg gần đây đang có các động thái siết chặt quy chế với những nền tảng lớn tùy ý mở rộng phạm vi kinh doanh, một trong số đó là Kakao.

Không chỉ kinh doanh ứng dụng trò chuyện trực tuyến trên điện thoại di động, Kakao đang mở rộng kinh doanh sang tất cả những lĩnh vực có liên quan mật thiết tới đời sống, như ngân hàng, thanh toán, gọi xe

Hồi đầu tháng 9, FSC đã tiến hành điều tra công ty K Cube Holdings, công ty tư nhân mà ông Kim sở hữu 100% cổ phần, có trụ sở ở quận Gangnam, Seoul.

Ông Brian Kim, nhà sáng lập công ty ứng dụng tin nhắn Kakao Corp.

Công ty này đang sở hữu gần 11% cổ phần của hãng Kakao, trên thực tế đang kiểm soát Kakao.

Theo nội dung công bố của công ty K Cube Holdings, khi thành lập vào năm 2017, ngành nghề kinh doanh của công ty K Cube Holdings là dịch vụ tư vấn kinh doanh, nhưng tới năm ngoái đã được đổi thành ngành tài chính.

Ban đầu, công ty được thành lập với mục đích phát triển, cung cấp phần mềm, nhưng sau đó do công ty tăng đầu tư vào cổ phần doanh nghiệp, chuyển thành công ty đầu tư tài chính.

Tổng giám đốc K Cube Holdings Kim Tak-heung cho biết đã thay đổi ngành nghề kinh doanh do doanh thu từ phần mềm thấp, trong khi lợi nhuận đầu tư như lãi hay cổ tức lại chiếm tỷ trọng cao hơn. Cuối cùng, công ty tài chính K Cube Holdings lại đang là công ty nắm quyền kiểm soát công ty phi tài chính Kakao.

Ủy ban giao dịch công bằng nhận định trường hợp này đã vi phạm quy định về phân tách vốn tài chính và vốn công nghiệp. Theo luật Hàn Quốc, các công ty tài chính, bảo hiểm trực thuộc các tập đoàn lớn không được phép sở hữu cổ phần của các công ty thành viên phi tài chính.

Dự kiến một cuộc điều tra của chính phủ về chống độc quyền nhắm tới Kakao và các công ty internet khác như Naver Corp sẽ diễn ra vào tháng 10 trong bối cảnh lo ngại các ông lớn này sử dụng quyền lực để bóp chết các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Để đối phó với áp lực ngày càng gia tăng, ông Kim cam kết dành 253 triệu USD giúp các doanh nghiệp nhỏ hơn. K Cube Holdings cũng sẽ tập trung vào việc tạo ra "giá trị xã hội" trong các lĩnh vực như giáo dục.

Xem thêm >> Trung Quốc thiếu điện trầm trọng, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế

Theo Bloomberg, Korea Times
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.