WB: Các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới
(VNF) - Theo Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tăng trưởng chung của các quốc gia đang phát triển ở khu vực dự báo đạt 4,8% trong năm 2024, cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới nhưng chưa bằng so với trước đại dịch.
Tăng tưởng EAP vượt trội nhưng sẽ chậm lại vào 2025
Ngày 8/10, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo triển vọng kinh tế bán niên khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP).
Theo báo cáo của WB, nền kinh tế của các nước đang phát triển Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) tiếp tục vượt trội so với các nền kinh tế khác trên thế giới.
Tăng trưởng khu vực được dự báo là 4,8% vào năm 2024, so với mức tăng trưởng trung bình là 3,3% ở các nước đang phát triển và mới nổi (EMDE) và 1,5% ở các nền kinh tế tiên tiến.
Tăng trưởng của các nước EAP dự kiến sẽ chậm lại còn 4,4% vào năm 2025.
Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Các quốc gia ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Để duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn, các quốc gia trong khu vực phải chủ động hiện đại hóa và cải cách nền kinh tế của mình để thích nghi với sự chuyển đổi các mô hình thương mại và thay đổi về công nghệ.”
Ảnh hưởng bởi tăng trưởng giảm ở Trung Quốc
Nguyên nhân chủ yếu là do tăng trưởng ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực, dự kiến sẽ giảm từ 4,8% trong năm nay xuống còn 4,3% trong năm 2025.
Phần còn lại của khu vực EAP dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2024 và 4,9% vào năm 2025. Các quốc gia đảo Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng 3,5% vào năm 2024 và 3,4% vào năm 2025.
Tăng trưởng của Trung Quốc năm 2024 được hỗ trợ bởi sự phục hồi của tiêu dùng dịch vụ và xuất khẩu vào đầu năm. Nhưng tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại vào năm 2025 trước sự yếu kém dai dẳng của thị trường bất động sản, niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư thấp, cũng như những thách thức của tình trạng già hóa và căng thẳng toàn cầu.
Các biện pháp hỗ trợ tài chính được báo hiệu gần đây có thể thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn nhưng tăng trưởng dài hạn sẽ phụ thuộc vào các cải cách cơ cấu sâu sắc hơn.
Theo báo cáo của WB, tăng trưởng của Trung Quốc ước tính đã thúc đẩy tăng trưởng của các nước đang phát triển khoảng 1% hàng năm trong giai đoạn 1995-2019 và 0,67% hàng năm trong giai đoạn 2020-2023 khi tăng trưởng Trung Quốc chậm lại.
Nếu tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại thêm nữa (ví dụ, xuống mức dự kiến là 4,3% vào năm 2025), thì lợi ích cho các nước đang phát triển sẽ giảm. Sự chậm lại trong tăng trưởng của Trung Quốc có thể làm giảm tăng trưởng ở các nước đang phát triển khác ước tính từ 0,14-0,21%.
Ở trường hợp thứ hai, nếu xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh hơn nhập khẩu, như vẫn tiếp tục xảy ra trong 7 tháng đầu năm nay), thì tác động tiêu cực của việc gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế có thể lớn hơn tác động tích cực từ nhu cầu lớn hơn.
Theo WB, hiệu suất kinh tế trên toàn khu vực cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về địa chính trị, kinh tế vĩ mô và chính sách. Ví dụ, kể từ thời điểm xung đột tại Trung Đông nổ ra vào tháng 10/2023, giá cước vận chuyển toàn cầu đã tăng gần 40%.
Bên cạnh đó, sự gia tăng bất ổn về chính sách tài khóa hoặc thương mại ở Mỹ, có thể làm giảm sản lượng công nghiệp và giá cổ phiếu ở EAP lần lượt là 0,5% và 1%.
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương
- Chuyên gia WB kêu gọi ‘cứu’ biệt thự trăm tuổi ở Đồng Nai khỏi bị phá dỡ 19/09/2024 01:45
- WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 lên 6,1% 26/08/2024 02:33
- Lãnh đạo WB tại Việt Nam đánh giá cao các giải pháp nâng hạng của UBCKNN 11/07/2024 10:02
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.