WB: Kiều hối Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, xếp hạng 11 toàn cầu

Hồ Mai - 24/12/2015 07:39 (GMT+7)

(VNF) - Theo đánh giá mới được công bố của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 11 thế giới trong số các nước nhận kiều hối nhiều nhất năm 2015.

Trong ấn bản "Migration and remittances factbook 2016" mới được công bố về di cư và kiều hối của các quốc gia trên thế giới, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết số người di cư toàn cầu dự kiến ​​sẽ vượt 250 triệu người năm 2015, mức cao nhất từ trước đến nay và hầu hết những người di cư ra nước ngoài đều muốn tìm cơ hội kinh tế mới. Theo WB, các nước đang phát triển đang ngày càng trở thành một nam châm có sức hút mạnh mẽ nguồn tiền gửi về từ các nước phát triển.

Ấn bản này của WB thống kê các số liệu về kiều hối và di cư theo con số cập nhật đến ngày 1/12/2015 tại 214 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

10 quốc gia là đích đến hàng đầu của dòng người di cư là Mỹ, Ả Rập Xê Út, Đức, Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Anh, Pháp, Canada, Tây Ban Nha và Australia. 10 quốc gia có số người di cư ra nước ngoài nhiều nhất bao gồm Ấn Độ, Mexico, Nga, Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan, Philippines, Afghanistan, Ukraine, và Vương quốc Anh.

Trong đó, Mexico - Mỹ là hành lang di cư lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 13 triệu người di cư vào năm 2013. Nga - Ukraine là hành lang di cư lớn thứ hai, tiếp theo là dòng di cư từ Bangladesh, Ấn Độ, và Ukraine sang Nga. 

"Có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những người di cư, cả công nhân lành nghề có tay nghề cao và thấp, tạo ra nhiều lợi ích cho cả nước nhà và nước tiếp nhận. Những người di cư xuất phát từ các nước đang phát triển có thể đem về quốc gia của họ nguồn vốn, thương mại, đầu tư, kiến ​​thức và chuyển giao công nghệ", Sonia Plaza, đồng tác giả của Factbook 2016 cho biết.

Theo số liệu từ WB, cộng đồng những người di cư trên toàn thế giới dự kiến sẽ gửi về tổng cộng 601 tỷ USD cho gia đình của họ tại nước nhà, trong đó các nước đang phát triển sẽ nhận được 441 tỷ USD.

Mỹ là quốc gia chuyển kiều hối về các nước khác lớn nhất thế giới, với ước tính khoảng 56 tỷ USD luồng tiền chảy ra nước ngoài trong năm 2014, tiếp theo là Ả Rập Xê Út với 37 tỷ USD và Nga 33 tỷ USD.

Trong khi đó, theo xếp hạng của WB, Ấn Độ là nước tiếp nhận kiều hối lớn nhất với ước tính khoảng 72 tỷ USD trong năm 2015, tiếp theo là Trung Quốc (64 tỷ USD), và Philippines (30 tỷ USD).

Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 11 thế giới về lượng kiều hối chảy về nước với khoảng 12,3 tỷ USD tính đến ngày 1/12/2015. Nếu xếp theo khu vực Đông Á - Thái Bình Dương thì kiều hối chảy về Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Philippines.

Trong đó, kiều hối từ Mỹ về Việt Nam đứng thứ 9 toàn cầu trong xếp hạng hành lang kiều hối song phương với 7 tỷ USD trong năm 2015. Đứng đầu xếp hạng hành lang kiều hối là Mỹ - Mexico với 25,2 tỷ USD, tiếp theo là kiều hối từ Mỹ về Trung Quốc với 16,3 tỷ USD trong năm 2015.

"Tiền gửi về nước từ cộng đồng kiều bào cung cấp một nguồn sống cho hàng triệu hộ gia đình ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, những người di cư nắm giữ hơn 500 tỷ USD tiết kiệm hàng năm. Kiều hối và tiết kiệm di cư cung cấp một nguồn tài trợ đáng kể cho các dự án cải thiện cuộc sống và sinh kế ở các nước đang phát triển", Dilip Ratha, đồng tác giả ấn bản Factbook 2016 cho biết.

Tuy nhiên, WB cũng cho biết, trong năm 2014, đã có 14,4 triệu người tị nạn (không bao gồm 5,1 triệu người tị nạn Palestine), chiếm 6% số người di cư quốc tế. Khoảng 86% những người tị nạn đến từ các nước đang phát triển như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Lebanon, Iran, Ethiopia, Jordan, Kenya, Cộng hòa Chad, và Uganda. Ngược lại, số người tị nạn ở các nước phát triển chỉ chiếm 1,6 triệu người.

Cùng chuyên mục
Tin khác