WSJ lo ngại doanh nghiệp Mỹ có thể mất hoàn toàn thị trường Trung Quốc
Mộc An -
30/12/2021 20:57 (GMT+7)
(VNF) - Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho rằng các công ty Mỹ có nguy cơ phải cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc và thậm chí mất hoàn toàn thị trường này trong bối cảnh hai nước leo thang căng thẳng và liên tục giáng đòn trừng phạt trả đũa lẫn nhau.
Các nhà phân tích được WSJ phỏng vấn đưa ra kết luận rằng các công ty Mỹ hiện đang lâm vào tình thế khó khăn. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn không chỉ do mâu thuẫn chính trị, mà còn do nhu cầu bị giảm mạnh, do lạm phát và các biện pháp cứng rắn để chống lại làn sóng bùng phát mới của đại dịch Covid-19. Nếu tình hình không thay đổi, các công ty buộc phải tìm hướng phát triển khác.
Theo WSJ, việc tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ Walmart bị tẩy chay ở Trung Quốc có thể trở thành tín hiệu cho những hành động tương tự đối với các doanh nghiệp khác của Mỹ.
Walmart hiện đang phải đối mặt với sự giận dữ của khách hàng Trung Quốc khi những người này kêu ca rằng gã khổng lồ bán lẻ của Mỹ đã ngừng cung cấp các sản phẩm từ khu vực Tân Cương tại hệ thống bán lẻ tại Trung Quốc của mình.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/12 ký ban hành luật cấm hầu như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương vì cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức tại khu vực này.
Theo đạo luật này, Tổng thống Mỹ được yêu cầu áp đặt biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc bị cáo buộc "vi phạm nhân quyền ở Tân Cương".
Một số hàng hóa, như bông, cà chua và polysilicon được sử dụng trong sản xuất pin năng lượng mặt trời, được coi là những hàng hóa "ưu tiên cao" trong hành động cấm nhập khẩu của Mỹ. Tân Cương là nhà cung cấp lớn về bông và tấm pin mặt trời.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng 12 còn đưa một số công ty Trung Quốc vào danh sách hạn chế xuất khẩu vì các lý do an ninh quốc gia, bao gồm cả vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Đây là các tổ chức bị Mỹ cáo buộc sử dụng công nghệ sinh học và giám sát để xâm phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc và 11 viện nghiên cứu thuộc học viện này vào danh sách các công ty và tổ chức bị hạn chế xuất khẩu.
Cơ quan này cũng thêm các công ty HMN International (trước đây là Huawei Marine), hệ thống cáp biển Jiangsu Hengtong, công ty Jiangsu Hengtong OpticElectric, hãng công nghệ Shanghai Aoshi Control Technology và hãng cáp biển Zhongtian Technology Submarine Cable vào danh sách hạn chế.
Phía Washington cáo buộc các công ty trên đã mua lại hoặc tìm cách mua lại công nghệ của Mỹ để giúp hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Về phía mình, Trung Quốc phủ nhận các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Giới quan sát nhận định một loạt các động thái như trên có thể làm mối quan hệ vốn đã rạn nứt giữa Bắc Kinh và Washington xấu đi.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone