Xuất khẩu kỷ lục LNG sang châu Âu, Mỹ cạn dần nguồn cung trong nước

Mộc An - 26/09/2022 21:16 (GMT+7)

(VNF) - Việc các công ty năng lượng Mỹ xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu với tốc độ kỷ lục đã đe dọa tới nguồn cung trong nước.

VNF
Các nhà sản xuất đá phiến ở Mỹ đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu gia tăng về khí đốt tự nhiên cả ở trong và ngoài nước.

Theo phân tích của hãng tin Reuters, các nhà sản xuất đá phiến ở Mỹ đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu gia tăng về khí đốt tự nhiên cả ở trong và ngoài nước.

Cũng theo Reuters, do mùa hè vừa qua nóng hơn ​​mọi năm và thiếu các nguồn năng lượng thay thế đã khiến lượng dự trữ khí đốt của Mỹ giảm xuống dưới mức trung bình theo mùa và hiện chưa có dấu hiệu cải thiện.

Dữ liệu mới nhất cho thấy lưu vực đá phiến Permian, đóng góp khoảng 12% tổng sản lượng khí đốt của Mỹ, và các giàn khoan ở đây đã giảm năng suất khai thác trong hai tuần liên tiếp.

“Việc các giàn khoan giảm hoạt động đồng nghĩa với việc bổ sung ít khí hơn vào tổng lượng khí đốt quốc gia”, theo Reuters.

Các nhà phân tích của Reuters cho hay trong bối cảnh mùa sưởi ấm đang cận kề ở cả châu Âu và Mỹ, triển vọng người tiêu dùng được sử dụng khí đốt giá rẻ có vẻ không khả quan.

Bài phân tích cũng lưu ý rằng mặc dù khó có khả năng giá khí đốt của Mỹ sẽ tăng bằng mức kỷ lục ở châu Âu, nhưng giá khí đốt tại Mỹ hiện đã tăng vọt 300% so với 2 năm trước khi khí đốt còn rẻ và dồi dào.

Những tháng gần đây, thị trường năng lượng ở châu Âu phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung và giá cả tăng cao do sự ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine.

LNG nhập khẩu đang được đẩy mạnh sang châu Âu. Trong đó, phần lớn nguồn cung xuất phát từ Mỹ, một trong ba nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới bên cạnh Qatar và Australia.

Ở động thái liên quan, theo báo cáo được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 23/9, dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ (SPR) đã giảm xuống 427,2 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1984 cho đến nay.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo 180 triệu thùng dầu thô từ các kho dự trữ của SPR sẽ được xuất ra thị trường vào cuối tháng 3 trong nỗ lực kiềm chế giá nhiên liệu tăng và sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến xuất khẩu dầu của Nga ra thị trường toàn cầu trong bối cảnh xung đột diễn ra ở Ukraine.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ bán khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vòng 6 tháng. Các nhà phân tích cho hay khối lượng này cao hơn gấp ba lần so với bất kỳ lần xả kho nào trước đây của SPR.

Dữ liệu chính thức cho thấy từ đầu năm đến nay, SPR đã giải phóng khoảng 155 triệu thùng dầu. Dự kiến sẽ có thêm 10 triệu thùng nữa được bơm vào thị trường trong tháng 11 tới.

Theo một phân tích gần đây từ Bộ Tài chính Mỹ, nỗ lực xả kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ và các đối tác quốc tế của nước này đã giúp hạ giá xăng trong nước khoảng 40 cent/gallon.

Xem thêm >> Đức: 3.000 người biểu tình yêu cầu mở Dòng chảy phương Bắc 2, dỡ trừng phạt Nga

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác