Yêu cầu báo cáo kết quả xử lý sau thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Cao su
Lê Nguyễn -
04/12/2017 19:37 (GMT+7)
(VNF) – Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông cáo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xử lý phản ánh của báo chí và thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)
Thông cáo cho biết, vừa qua, trên báo chí có phản ánh các sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị thành viên trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2011.
Các sai phạm này đã được Thanh tra Chính phủ nêu lên tại Kết luận thanh tra số 2341/KL-TTCP ngày 2/10/2014 và việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Xử lý sau thanh tra, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại các văn bản số 8322/VPCP-V.I ngày 22/10/2014, số 2148/VPCP.V.I ngày 31/3/2015, số 9325/VPCP-V.I ngày 11/11/2015 và số 3559/VPCP-V.I ngày 17/5/2016 của Văn phòng Chính phủ.
Đối với các bài viết phản ánh, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, tổng hợp kết quả xử lý sau thanh tra theo Kết luận thanh tra số 2341/KL-TTCP ngày 2/10/2014, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/2/2018.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7/2018 về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, đất đai tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2017.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/1/2018 kết quả điều tra, xử lý các sai phạm có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại một số đơn vị thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam do Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra.
Nhiều sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã được Thanh tra Chính phủ nêu rõ trong kết luận thanh tra năm 2014
Trước đó, năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của VRG.
Kết luận đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại VRG và nhiều đơn vị thành viên trong việc tăng vốn điều lệ; quản lý đầu tư tài chính dài hạn trong và ngoài ngành nghề kinh doanh chính; quản lý doanh thu, chi phí; quản lý đầu tư xây dựng và đất đai.
Cụ thể, về tăng vốn, Kết luận cho biết Hội đồng thành viên VRG trong 2 năm 2010 và 2011 đã quyết định tăng vốn điều lệ cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên trước khi được Thủ tướng phê duyệt. Điều này là chưa đúng quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt tăng vốn điều lệ.
Chi tiết: VRG tăng vốn điều lệ tại Công ty tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam 500 tỷ đồng; tăng vốn điều lệ 3 công ty TNHH MTV với lý do cấp bù vốn thiếu hơn 507 tỷ đồng; khoản đầu tư tài chính dài hạn ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính hơn 133 tỷ đồng; khoản trả nợ lãi vay ngân hàng hơn 120 tỷ đồng; các khoản VRG góp vốn vào 8 công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính năm 2010 hơn 345 tỷ đồng, năm 2011 của công ty cổ phần hơn 1.491 tỷ đồng (tổng cộng hơn 1.837 tỷ đồng).
Cũng theo Kết luận, VRG quyết định tăng vốn điều lệ để góp vốn vào các công ty cổ phần thuộc ngành nghề kinh doanh chính chưa đúng thẩm quyền với hơn 3.540 tỷ đồng.
Về quản lý đầu tư tài chính dài hạn, VRG cũng để xảy ra nhiều sai phạm như đầu tư vốn ra bên ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ theo quy định đến hơn 2.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VRG còn có 4 dự án chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài nhưng đã thực hiện đầu tư hơn 652 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay của các dự án khác sai quy định; 2 dự án chưa được ký hợp đồng giao đất nhưng đã đầu tư hơn 147 tỷ đồng; một số công ty thanh toán vượt chi phí sang nhượng đất so với diện tích thực tế được giao, thanh toán tiền tư vấn vượt khối lượng thực hiện hơn 2 triệu USD.
Đặc biệt, trong việc đầu tư góp vốn thành lập Công ty Cổ phần cao su Phú Riềng – Kratie, do nhiều sai sót, VRG có nguy cơ thiệt hại hơn 483 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, tính đến cuối năm 2011, VRG đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính số vốn hơn 2.420 tỷ đồng, chiếm 13,03% vốn điều lệ và 13,25% tổng vốn đầu tư tài chính, chủ yếu lấy từ nguồn vốn điều lệ do nhà nước đầu tư.
Việc đầu tư dàn trải, thiếu sự tính toán đã khiến VRG không thu được lợi nhuận và tiềm ẩn nguy cơ mất vốn lớn.
Nghiêm trọng nhất phải kể đến "phi vụ" một số cá nhân là lãnh đạo VRG và đơn vị thành viên thao túng "công ty sân sau" thông qua việc góp vốn vào Công ty Cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp (DSEC).
Cụ thể, các lãnh đạo VRG và đơn vị thành viên đã sử dụng quỹ phúc lợi của các công ty để góp vốn vào DSEC; khi quyết định đầu tư góp vốn đã không xây dựng đề án, không có ý kiến đồng ý của VRG. Điều này là trái quy định về quản lý vốn nhà nước.
Điều đáng nói, từ khi thành lập đến năm 2012, DSEC liên tục bị thua lỗ nhưng vẫn được Công ty tài chính TNHH MTV cao su Việt Nam và các đơn vị góp vốn ưu ái cho vay bằng những hợp đồng vay, hồ sơ thế chấp và bảo lãnh không đủ căn cứ pháp lý. Thực tế, nhiều khoản vay đã bị DSEC sử dụng sai mục đích, chiếm dụng vốn gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone