Tài chính quốc tế

Zara: Khi 'ông lớn' thời trang nhanh bắt đầu 'sống chậm'

(VNF) - Dù theo đuổi mô hình kinh doanh thời trang nhanh (fast fashion), Zara đang không ngừng thay đổi trong quá trình sản xuất để đưa ra những sản phẩm vừa thân thiện với môi trường vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ra thị trường.

Zara: Khi 'ông lớn' thời trang nhanh bắt đầu 'sống chậm'

Bên ngoài một cửa hàng của Zara.

Vào những năm 1960, thời trang nhanh trở thành một xu hướng bùng nổ khi giới trẻ dần chuyển hướng sang những mẫu quần áo giá cả phải chăng, đa dạng và có vòng đời nhanh hơn. Hiểu được nhu cầu của khách hàng, tập đoàn Inditex đã sáng tạo nên thương hiệu Zara với mô hình thời trang nhanh độc đáo.

Mỗi năm, nhà mốt Tây Ban Nha ra mắt tới 12.000 mẫu thiết kế khác nhau. Trong một tuần, nếu một mẫu thiết kế không bán được nhiều, nó sẽ bị rút ra khỏi cửa hàng và nhường chỗ cho một thiết kế mới. Theo nhiều báo cáo, Zara chỉ mất 15 ngày để hoàn thiện các khâu từ sản xuất sản phẩm tới phân phối tới các hệ thống cửa hàng. Trong khi đó, thời gian trung bình cho ra BST mới của ngành thời trang là 6 tháng.

Mặc dù mô hình này đáp ứng được nhu cầu “ngon-bổ-rẻ” của người tiêu dùng nhưng nó lại gây ảnh hưởng lớn tới môi trường.

Mỗi năm, chỉ tính riêng ở Liên minh châu Âu (EU) đã có đến 5,8 triệu tấn sản phẩm dệt may bị loại bỏ, tương đương với khoảng 11kg/người. Theo số liệu của EU, cứ mỗi một giây sẽ có một xe tải chở các sản phẩm dệt may đi chôn lấp hoặc đốt ở đâu đó trên thế giới.

Trước tình trạng đáng báo động này, vào tháng 3/2022, Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch kêu gọi các nhà sản xuất thời trang phải sản xuất các sản phẩm có thể "tồn tại lâu dài” và hầu hết “sử dụng sợi tái chế” vào năm 2030.

Trước yêu cầu trên, Inditex vẫn không có dấu hiệu giảm sản lượng của Zara. Tuy nhiên, nhà mốt Tây Ban Nha đang thay đổi một số quy trình, nhằm giảm tác động đến môi trường đồng vẫn bám sát chiến lược bảo vệ môi trường của EC.

Chia sẻ với Reuters, Inditex khẳng định trọng tâm của những thay đổi này là việc tăng cường sử dụng vật liệu tái chế, cắt giảm sử dụng nước, năng lượng và nguyên liệu thô.

Công ty cũng cho biết, điều quan trọng không phải là số lượng quần áo được sản xuất ra là nhiều hay ít mà quan trọng là nó được sản xuất như thế nào.

Vào năm 2021, một nửa số hàng may mặc của Inditex đã được sản xuất theo hướng "bền vững" hơn. Theo báo cáo thường niên của Inditex, việc sử dụng bông hoặc sợi hữu cơ trong các sản phẩm của Zara đã tăng lên đáng kể so với mức 9% vào năm 2018. Bên cạnh đó, hãng cũng đã điều chỉnh sản xuất để phù hợp với nhu cầu của khách hàng và “chỉ còn 2% hàng tồn kho cần được tái chế hoặc tặng”.

Zara đang đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2040 và chiến lược của công ty cũng đã được cơ quan Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Khoa học (SBTi) phê duyệt.

Mặc dù theo nhiều nhà phân tích, mô hình kinh doanh thời trang nhanh của Zara nói riêng và nhiều hãng thời trang nói chung sẽ vĩnh viễn có hại cho môi trường. Nhưng bất kì nỗ lực nào của các hãng thời trang nhằm giảm thiểu ô nhiễm cũng cần được khích lệ bởi họ chỉ đang đáp ứng nhu cầu của chính người tiêu dùng.

Xem thêm >> Xoá sổ 1.200 cửa hàng, thời khắc u ám của thời trang Zara

Tin mới lên