'Zero-Covid' của Trung Quốc: Cơn ác mộng cho chuỗi cung ứng toàn cầu
Thanh Tú -
28/05/2022 07:34 (GMT+7)
(VNF) - Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải, trung tâm tài chính hàng đầu Trung Quốc, và nhiều thành phố khác của nước này đã tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với hoạt động vận tải và ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kiên định chính sách “zero-Covid”
Mặc dù nền kinh tế đang phải hứng chịu những tổn thất không nhỏ vì chính sách chống dịch mang tên “zero-Covid” (không Covid), Trung Quốc cho đến nay vẫn kiên quyết duy trì phương pháp hà khắc này. Phản ứng với phát biểu mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng cách tiếp cận này không bền vững trước sự xuất hiện của các biến chủng mới, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng chính sách chống dịch của mình là “khoa học và hiệu quả”.
“Zero-Covid” đã khiến hàng trăm triệu người ở hàng chục thành phố của nước này trong tình trạng hạn chế đi lại ở nhiều mức độ khác nhau. Kể từ đầu tháng 4 vừa qua, Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc với 25 triệu dân, đã áp đặt lệnh phong tỏa, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi số ca mắc mới Covid-19 vượt ngưỡng 25.000 ca/ngày, trong đó phần lớn là các ca nhiễm “siêu” biến chủng Omicron.
Hầu hết các quận ở Thượng Hải, nơi tập trung nhiều công ty đa quốc gia, đều thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, đảm bảo rằng tất cả người dân trên địa bàn đều được xét nghiệm và các ca bệnh mới cùng những người tiếp xúc với người bệnh sẽ được cách ly càng sớm càng tốt.
Việc bị phong tỏa dài ngày đã khiến nhiều người dân Thượng Hải tỏ ra bức xúc. Tại nhiều khu chung cư cao tầng, người dân phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực và thuốc men. Tuy nhiên, giới chức địa phương vẫn khẳng định sẽ không nới lỏng các hạn chế cho đến khi dập tắt các ổ dịch mới bên ngoài khu vực cách ly.
Trải qua 6 tuần phong tỏa, sau khi 15 trên tổng số 16 quận của thành phố không còn ca mắc Covid-19 bên ngoài các khu cách ly, chính quyền Thượng Hải mới đặt mục tiêu trở lại nhịp sống bình thường từ ngày 1/6. Dù vậy, các lệnh phong tỏa dài ngày đã khiến nền kinh tế Trung Quốc bị tổn thất không nhỏ.
Chuyên gia Nick Marro của cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence cho rằng chiến lược “zero-Covid” đã nhanh chóng giúp Trung Quốc đưa tăng trưởng kinh tế trở lại trong năm 2020 khi nhiều nước vẫn còn loay hoay với việc chống dịch. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trái ngược hoàn toàn với phần đa thế giới đang âm thầm tác động tới kinh tế ở Thượng Hải và nhiều khu vực khác của Trung Quốc, đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng của nước này. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ hy vọng chính phủ Trung Quốc có thể nới lỏng các hạn chế Covid-19 trong mùa thu tới.
Chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo
Với tư cách là một trung tâm kinh tế, việc Thượng Hải phong tỏa toàn khu vực không chỉ gây thiệt hại kinh tế lên đến gần 10 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) mỗi ngày, mà còn làm suy giảm niềm tin của các chủ doanh nghiệp với nền kinh tế Trung Quốc. Các đợt đóng cửa do phong tỏa đã làm chậm khả năng vận chuyển hàng hóa ở khắp Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy ở khu vực Thượng Hải cũng đã giảm hoặc dừng sản xuất trong nhiều tuần.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các quy tắc chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc cho đến nay có vẻ chưa ghi nhận thiệt hại thực sự nghiêm trọng nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Thế giới sẽ dần dần “thấm” các tác động đầy đủ của việc Thượng Hải và một số thành phố lớn của Trung Quốc đóng cửa. Trung Quốc chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu, việc biến động lan rộng ra khắp các nền kinh tế chỉ còn là vấn đề thời gian, thậm chí mở ra một làn sóng hỗn loạn mới với chuỗi cung ứng thế giới.
Các cuộc khảo sát về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy các nhà cung cấp phải đối mặt với sự chậm trễ lâu nhất trong hơn 2 năm qua trong việc cung cấp nguyên liệu thô cho khách hàng sản xuất. Lượng thành phẩm tồn kho tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên, trong khi chỉ số xuất khẩu và nhập khẩu giảm mạnh.
Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đã khiến Thượng Hải, nơi có cảng container lớn nhất thế giới, đối mặt với lượng tàu và hàng hóa ùn tắc chưa từng có, gây ra sự chậm trễ và hỗn loạn đáng kể trong hoạt động giao hàng trên toàn cầu. Những hình ảnh vệ tinh kỹ thuật số ghi nhận từ đầu tháng 5 tại cảng nằm ở bờ biển phía Đông Trung Quốc cho thấy lượng lớn tàu đang “mắc kẹt” tại đây.
Tình trạng tắc nghẽn ở châu Âu còn nghiêm trọng hơn khi các cảng chính như Rotterdam, Hamburg, Antwerp và ba cảng ở Anh đều hoạt động ở mức công suất cao. Các cảng này phải chật vật để nhận thêm container vì không còn không gian để chứa thêm.
Theo Công ty giao nhận hàng hóa Flexport trụ sở tại San Francisco (Mỹ), hiện mất trung bình 111 ngày để hàng hóa đến nhà kho ở Mỹ kể từ thời điểm rời khỏi nhà máy ở châu Á. Con số này gần bằng kỷ lục 113 ngày vào tháng 1 và hơn gấp đôi so với thời điểm năm 2019.
Bà Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành của công ty phân tích rủi ro chuỗi cung ứng Everstream Analytics, cho rằng các cảng của Mỹ và châu Âu vốn đã ngập trong hàng hóa nên càng dễ bị ảnh hưởng bởi cú sốc mới này. Khi Thượng Hải mở cửa trở lại và mọi thứ trở về quỹ đạo của nó, tất cả các tàu vận chuyển sẽ hướng về Mỹ. Điều đó có thể gây thêm thách thức bởi tình trạng tắc nghẽn.
Vận chuyển hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi hàng liên tục đổ về sân bay quốc tế Phố Đông (Thượng Hải). Tắc nghẽn lan sang Thâm Quyến khi nơi đây chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các chuyến hàng được chuyển từ Thượng Hải.
“Nút thắt cổ chai” tại các cảng của Trung Quốc kết hợp với chiến sự ở Ukraine được cảnh báo sẽ là một đòn giáng làm chệch hướng phục hồi của kinh tế thế giới, vốn đã bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs thừa nhận khó khăn trong chuỗi cung ứng “có phần tồi tệ hơn chúng tôi dự đoán, và chúng tôi đã điều chỉnh một chút dự báo tăng trưởng và lạm phát trong những tuần gần đây”. Stephanie Loomis, Phó chủ tịch phụ trách thu mua quốc tế của CargoTrans, cho biết một số công ty có thể đã cố gắng chuyển đơn đặt hàng của họ đến nơi khác hoặc hủy đơn.
Các chuyên gia dự đoán ngay cả khi dịch bệnh được khống chế, gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn sẽ lan rộng toàn cầu và tác động tiêu cực đến cả năm 2022. Trong ngắn hạn, việc tắc nghẽn đồng nghĩa với chi phí gia tăng lên lưu lượng 22.000 tỷ USD thương mại hàng hóa toàn cầu, vốn đã sụt giảm vào năm 2020 và đang dần phục hồi vào năm ngoái.
Các công ty đã vượt qua những đợt hỗn loạn nguồn cung trong năm qua một phần bằng cách tăng giá và người tiêu dùng phần lớn đã chấp nhận. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nguồn cung khó khăn từ Trung Quốc đặt ra thách thức đáng sợ hơn về nhu cầu hộ gia đình.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone