Bị áp thuế chống bán phá giá cao nhất lịch sử: Cá tra Việt Nam ‘hết đường’ sang Mỹ?
Hoàng Lan -
18/03/2018 14:01 (GMT+7)
(VNF) - Mức thuế chống bán phá giá cao nhất mà Mỹ áp cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam lên tới 7,74 USD/kg. Trong khi đó, giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ ở thời điểm hiện tại là 4-5 USD/kg. Với mức thuế trên, cá tra Việt Nam gần như "hết cửa" sang Mỹ.
Ngày 17/3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay.
Theo quyết định cuối cùng này của DOC, có 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức thuế từ 3,87 USD/kg.
9 doanh nghiệp này là Godaco, Caseamex, Cuu Long Fish, Dai Thanh Seafoods, Green Farms, Hung Vuong Group, NTSF Seafoods, Southern Fishery, Vinh Quang Fisheries.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thuộc nhóm này cho biết mức thuế quyết định cuối cùng của DOC cao gấp 1,6 lần so với mức thuế đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9-2017; gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) trước đó.
Đáng chú ý, có hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá lên tới 7,74USD/kg, gồm Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods. Mức thuế trên là chưa từng có tiền lệ trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho Việt Nam.
Mức thuế 7,74 USD/kg cao gấp 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13; gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.
Mức thuế gần 4 USD/kg là bằng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, mức thuế gần 8 USD/kg cao gấp đôi giá xuất khẩu. Với quyết định này, Mỹ dường như muốn "đóng cửa" thị trường với cá tra Việt Nam.
Trước đó, ngày 8/1/2018, Việt Nam đã chính thức gửi đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng đối với cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam. Việc tham vấn là bước đầu tiên, bắt buộc trong quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO.
Việt Nam khiếu nại Mỹ vi phạm quy định của Hiệp định ADA do không thực hiện dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho một số doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù các doanh nghiệp này đáp ứng tiêu chí được dỡ bỏ thuế do có biên độ phá giá bằng 0 trong 3 lần liên tiếp.
Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam, chiếm tỷ trọng xuất khẩu 23%. Cả nước hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất và xuất khẩu cá tra. Trong đó, 20 doanh nghiệp lớn nắm giữ 70 - 80% sản lượng nguyên liệu.
Với mức thuế chống bán phá giá cao nhất từ trước đến nay, dự báo chỉ còn hai doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu cá tra vào Mỹ là Công ty Vĩnh Hoàn và Biển Đông, vì 2 doanh nghiệp này đóng mức thuế suất theo thỏa thuận.
Trước đó, vào ngày 16/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Vũ Văn Tám đã chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018 rằng, đối với thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam đang phải chịu cảnh "một cổ hai tròng".
2017 là năm Mỹ chính thức thực thi đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại (Farm Bill) áp dụng đối với các sản phẩm cá da trơn. Năm 2018, phía Hoa Kỳ sẽ tổ chức đoàn đánh giá thực tế thực thi những quy định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ sở nuôi, nhà máy chế biến cá da trơn tại Việt Nam.
Ông Vũ Văn Tám cho biết việc vừa phải chịu thuế chống bán phá giá lại vừa thực thi chương trình giám sát cá da trơn, khiến xuất khẩu qua thị trường Mỹ giảm sút khá lớn.
Mục tiêu năm 2018 của Việt Nam là xuất khẩu cá tra đạt 2 – 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, với việc Bộ Thương Mại Mỹ vừa đưa ra phán quyết tăng thuế bán phá giá, e rằng việc cán mốc 2 tỷ USD sẽ khó thực hiện được.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone