Tài chính

Bộ Công thương muốn có 'giải pháp cấp bách' cứu lọc dầu Dung Quất

(VNF) - Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý về đề xuất giảm thuế nhập khẩu cho lọc dầu Dung Quất và cho rằng đề xuất này là "có cơ sở" và "cần thiết phải có giải pháp cấp bách để tháo gỡ".

Bộ Công thương muốn có 'giải pháp cấp bách' cứu lọc dầu Dung Quất

Sau khi nhận được công văn của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị về việc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu, diesel, Jet A-1, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và cho rằng đề xuất của BSR và PVN là "có cơ sở" và "cần thiết phải có giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn" cho lọc dầu Dung Quất.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay theo cam kết tại một số hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước trong khu vực (như Asean, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Trung Quốc,…), mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các sản phẩm xăng dầu đang được điều chỉnh giảm theo lộ trình đã cam kết. Điều này dẫn đến có sự chênh lệch giữa mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (nhập khẩu theo C/O form D) đối với các sản phẩm xăng dầu.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng có văn bản cho rằng đề nghị giảm mức thuế nhập khẩu mặt hàng dầu diesel từ 10% hiện hành xuống 7% cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và tăng mức giá trị ưu đãi cho các sản phẩm xăng dầu cho nhà máy lọc dầu Dung Quất của PVN là "chưa hợp lý". Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị PVN thực hiện đúng quy định hiện hành về mức thuế nhập khẩu dầu.

Về kiến nghị tăng mức giá trị ưu đãi (phần giữ lại) với sản phẩm xăng để đảm bảo tính hiệu quả của dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, lãnh đạo ngành tài chính dẫn quyết định của Thủ tướng Chính phủ với giá trị ưu đãi cho Dung Quất hiện tại là 3% với sản phẩm hóa dầu, 5% với LPG và 7% với xăng, dầu. 

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc đề nghị giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu vừa đề nghị tăng mức giá trị ưu đãi cho các sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất là chưa hợp lý trong tương quan lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

Mới đây, PVN mới đây cũng đã gửi công văn "kêu cứu" lên Liên Bộ Tài chính - Công Thương và Văn phòng Chính phủ về việc tồn kho lớn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và cảnh báo nguy cơ "bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới". 

Nguyên nhân xuất phát từ việc áp dụng lộ trình thuế ATIGA trong ASEAN và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc do từ đầu năm nay, thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ về 10% theo lộ trình, trong khi thuế nhập khẩu xăng dầu của Dung Quất vẫn là 20%, khiến giá xăng dầu Dung Quất cao hơn từ 2-4 USD/thùng và không cạnh tranh nổi với xăng dầu ngoại. 

Từ tháng 1/1/2016, các sản phẩm diesel nhập từ các nước như Asean, Hàn Quốc có thuế về 0% trong khi sản phẩm này trong khi đó, thuế suất áp dụng với dầu diesel và Jet A1 của lọc dầu Dung Quất vẫn giữ ở mức là 10%.

Hiện tại, thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhiên liệu được áp dụng theo Thông tư 78/2015/TT-BTC với mức thuế nhập khẩu với dầu diesel là 10%, dầu mazut là 10%. Như vậy giá bán sản phẩm dầu diesel của Dung Quất chịu thuế cao hơn 10% so với hàng cùng chủng loại nhập từ ASEAN.

Đối với mặt hàng xăng, lộ trình đến năm 2021 mới bắt đầu đưa thuế nhập khẩu về 0%, tuy nhiên, theo thoả thuận FTA với Hàn Quốc, những sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc sẽ giảm còn 10%, thấp hơn một nửa so với mức 20% áp dụng cho Dung Quất. Các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, nhiên liệu bay có thuế suất 5% (trừ dầu madut 0%).

Trước thực trạng này, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính "xem xét có phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đảm bảo mục tiêu vận hành ổn định và hiệu quả của nhà máy".

Tin mới lên