Tài chính quốc tế

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung 'phủ bóng đen' lên APEC 2018

(VNF) - Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đã họp tại Port Moresby, Papua New Guinea vào cuối tuần này. Trong đó, đại biểu của 21 quốc gia thành viên APEC cùng đồng tình cho rằng những bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể phá vỡ những nỗ lực xây dựng và mở rộng tự do thương mại toàn cầu.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung 'phủ bóng đen' lên APEC 2018

APEC 2018: Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang tạo ra 'bóng đen' trên nỗ lực mở rộng thương mại toàn cầu

Các đại biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Port Moresby, Papua New Guinea cuối tuần này đã cam kết tiếp tục theo đuổi thương mại quốc tế tự do và công bằng, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức vào tháng 11 tới sẽ được tổ chức tại Port Moresby, với sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – hai nhà lãnh đạo đang không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề thương mại.

Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Australia Mark Coulton cho biết trong cuộc họp hôm thứ Bảy: “Các đại biểu APEC rất quan ngại với tình hình hiện nay trong quan hệ thương mại Trung – Mỹ. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình và sẽ cố gắng đảm bảo quyền lợi của các nước thành viên”.

Ông Trump dường như đang cố gắng thực hiện cam kết bầu cử của mình – giải quyết vấn đề thương mại mà ông cho là “không công bằng”. Ông đề xuất mức thuế nhập khẩu lên đến 150 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hành động đó đã “châm ngòi” cho sự trả đũa bằng thuế nhập khẩu của Bắc Kinh. Tuy tình hình căng thẳng thương mại giữa hai bên đã có dấu hiệu giảm bớt, sự thay đổi chính sách nhanh đến “chóng mặt” của Tổng thống Trump khiến thị trường chưa thể thực sự yên tâm.

Các nền kinh tế châu Á, trong đó bao gồm nhiều thành viên APEC, sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn Trung Quốc nếu ông Trump thực hiện những đe dọa của mình, theo một phân tích của Bloomberg Economics. Theo ước tính, với mỗi 10% giảm trong xuất khẩu của Trung Quốc, tăng trưởng ở các nền kinh tế châu Á  khác sẽ bị cắt giảm trung bình 1,1%, trong khi Trung Quốc chỉ giảm 0,3%.

Cuối tuần này, Port Moresby đã tiếp đón đại diện của 21 thành viên APEC, bao gồm cả Phó Đại diện thương mại Hoa Kỳ Jeffery Gerrish và Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen. Các cuộc nói chuyện giữa hai người được nhận xét là "thân mật và mang tính xây dựng".

Coulton nói: “Cả hai đại diện Hoa Kỳ và Trung Quốc đều thể hiện cam kết cơ bản của họ đối với tự do thương mại. Từ  ‘công bằng’ đã được nhắc đến khá thường xuyên”.

Ông cho rằng những căng thẳng trong thương mại quốc tế hiện tại làm cho các thành viên khác của APEC “thậm chí còn quyết tâm hơn” để đảm bảo họ “mở cửa và tiếp tục phát triển các cơ hội tự do thương mại. Hy vọng rằng những xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lắng xuống”.

Các thành viên APEC khẳng định lại cam kết “giữ thị trường mở cửa” và “chống lại các biện pháp bảo hộ và bóp méo thương mại", ông Rimbink Pato, cũng là bộ trưởng ngoại giao và thương mại của Papua New Guinea, phát biểu kết luận cuộc họp.

APEC cũng cam kết sẽ đề xuất hướng tới việc đạt được một khu vực mậu dịch tự do ở châu Á-Thái Bình Dương và thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa các quốc gia, theo thông cáo cuối cùng của hội nghị.

Tin mới lên