Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
- Mặc dù cả phía Mỹ và Trung Quốc đã công bố cụ thể danh sách hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu trị giá 100 tỷ USD sẽ bị áp thuế rất cao, nhưng nhiều dự đoán cho rằng cuộc chiến thương mại khó có khả năng xảy ra. Quan điểm của ông thì sao?
TS. Trần Toàn Thắng: Mới đây nhất, ngày 3/4/2018, Mỹ công bố 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế 25%, bao gồm công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, giáo dục. Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, phía Trung quốc đáp trả bằng việc công bố các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ cũng bị áp mức thuế tương tự (25%), bao gồm đậu tương, máy bay, ô tô, hóa chất. Hai bên có 2 tháng kể từ ngày 3/4/2018 để "điều đình" xem nên áp mức thuế suất thuế nhập khẩu lên tới 25% hay không.
Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế số một và số hai thế giới khó có thể xảy ra, nếu có, mức độ sẽ giảm nhẹ hơn rất nhiều so với tuyên bố của cả 2 bên. Vì nếu cuộc chiến xảy ra, Mỹ là bên thiệt hại nặng nề hơn do kinh tế Mỹ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp nguyên liệu giá rẻ là đầu vào của hàng loạt ngành sản xuất của Mỹ. Trung Quốc cũng là nơi cung cấp hàng tiêu dùng giá rẻ hàng đầu cho người Mỹ.
Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới và đang dần trở thành nước tiêu dùng lớn nhất thế giới do thu nhập của người dân được cải thiện liên tục trong nhiều năm và hiện có khoảng 300 triệu người ở tầng lớp trung lưu, nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới tăng chóng mặt. Mỹ chắc không muốn đứng ngoài thị trường khổng lồ này.
Ngoài ra, Trung Quốc đang là đầu tư lớn nhất vào trái phiếu kho bạc Mỹ với trị giá 1.300 tỷ USD sở hữu trực tiếp và 250 tỷ USD đầu tư gián tiếp. Một khi chiến tranh thương mại nổ ra, thì Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng hơn rất nhiều so với đối thủ của họ. Mỹ là nước khơi mào cho cuộc chiến thương mại, khi thấy bị bất lợi, họ sẽ tìm cách ra khỏi cuộc chiến. Còn Trung Quốc vốn không thích cuộc chiến này, nên một khi Mỹ "tháo ngòi nổ", cũng ngay lập tức dừng "cuộc chơi".
Nhưng với cách điều hành của Tổng thống Donald Trump, không biết điều gì sẽ xảy ra. Chính vì vậy, dự đoán chỉ là dự đoán.
- Nếu cuộc chiến thương mại diễn ra đúng như những gì 2 bên tuyên bố, thì điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, thưa ông?
Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Mỹ, với tổng kim ngạch 2 chiều năm 2017 lên tới 636 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ. Ngược lại, Mỹ cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Nếu cuộc chiến thương mại xảy ra, thương mại 2 chiều giữa 2 cường quốc kinh tế thế giới bị suy giảm, sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, hoạt động đầu tư, thương mại toàn thế giới.
Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa bằng 1,85 lần GDP, nên chắc chắn sẽ bị tác động. Việt Nam sẽ chịu cả tác động tích cực lẫn tiêu cực, còn tác động tích cực lớn hơn hay tiêu cực lớn hơn phụ thuộc vào các chính sách ứng phó của Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam có biết tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, giảm nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng từ Trung Quốc.
- Theo ông, Việt Nam tận dụng thế nào để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nếu cuộc chiến thương mại nổ ra?
Năm 2017, Mỹ nhập khẩu 588,681 tỷ USD hàng tiêu dùng, chiếm 26% tổng kim ngạch nhập khẩu và nhập khẩu 104,757 tỷ USD hàng thực phẩm, thức ăn và đồ uống, chiếm 4,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Một khi hàng nhập khẩu từ đối tác lớn nhất bị áp mức thuế lên tới 10%, 15% thậm chí 25%, rõ ràng đây là cơ hội rất lớn để các nước khác, trong đó có Việt Nam, xuất khẩu vào Mỹ.
Theo tôi được biết, các nhà nhập khẩu Mỹ đang đi tìm kiếm thị trường nhập khẩu thay thế, nếu cuộc chiến thương mại nổ ra. Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tìm đến với nhà nhập khẩu Mỹ để tìm cách thay thế một phần nào đó hàng hóa Trung Quốc vốn chiếm lĩnh thị trường này. Nếu chậm chân, trong khi các nhà xuất khẩu nước khác, đặc biệt là xuất khẩu mặt hàng hàng tiêu dùng, may mặc, da giày, thực phẩm, thức ăn, đồ uống…, đã, đang ráo riết tìm kiếm, đàm phán với nhà nhập khẩu Mỹ, thì khi cuộc chiến nổ ra, doanh nghiệp Việt Nam không còn cơ hội.
Cuộc chiến nổ ra, các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư ở Trung Quốc sẽ tìm cách rút dần hoặc ít nhất không mở rộng đầu tư để chuyển sang các nước khác. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Vấn đề là Việt Nam phải "roadshow" mạnh mẽ hơn nữa với các nhà đầu tư nước ngoài về việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với hành động thiết thực là nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 17-18%.
- Thế còn đối với thị trường Trung Quốc, thưa ông?
Nhìn chung các mặt hàng Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc không cạnh tranh trực tiếp hoặc nếu có chỉ cạnh tranh ở mức độ rất thấp đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, nên nếu hàng hóa của Mỹ bị áp thuế cao thì Việt Nam cũng rất khó "chen chân vào được".
Vấn đề đối với Việt Nam là, một khi hàng hóa của Trung Quốc khó vào Mỹ, sẽ xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội đối với không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vì mua được nguyên nhiên vật liệu, linh kiện, chi tiết, phụ tùng rẻ hơn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, đặc biệt là có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Mỹ để thay thế phần nào cho hàng hóa Trung Quốc.
Nhưng với doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, thì đáng lo ngại vì hàng hóa "chất lượng Mỹ" không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ đổ bộ vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Còn nhìn ở khía cạnh tổng thể hơn, một khi nguồn tài chính của Trung Quốc giảm đầu tư vào Mỹ thông qua nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ, sẽ được đầu tư vào các nước khác, trong đó Việt Nam là điểm đầu tư rất hấp dẫn. Đây là cơ hội cần phải tận dụng.
Nhưng thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ tăng do doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, linh kiện, chi tiết, phụ tùng, hàng tiêu dùng. Đây chính là điểm bất lợi cần phải có phương án xử lý hữu hiệu nhằm giảm hoặc ít nhất không gia tăng thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.