Thị trường

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: 10 Bộ vẫn còn đứng ngoài cuộc

(VNF) – Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoài những bộ ngành đã đạt được thành tựu nổi bật về cắt giảm điều kiện kinh doanh như: Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… vẫn còn 10 Bộ chưa "đả động" gì đến việc rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ này.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: 10 Bộ vẫn còn đứng ngoài cuộc

Năm qua, một loạt ngành nghề đã được cắt giảm điều kiện kinh doanh

Năm 2017, các Bộ đã cắt giảm điều kiện kinh doanh như thế nào?

Cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh nhằm thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp là trọng tâm của Chính phủ trong những năm gần đây.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/8/2017 và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 . Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao đã các Bộ "tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp".

Thực hiện nhiệm vụ rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, một số Bộ đã nhanh chóng triển khai các hành động cụ thể. Tính đến ngày 22/12/2017, đã có 5 Bộ rà soát và đưa ra phương án cắt giảm, sửa đổi gồm: Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Thông tin & Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước.

Bộ Công Thương là bộ đầu tiên thực hiện rà soát và có phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.

Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh dự kiến cắt giảm trong tổng số 1216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (cắt giảm khoảng 55%). Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan, Bộ Công thương đã rà soát lại, cụ thể hóa, chính xác hóa và xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi. Hiện Dự thảo Nghị định đã trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt.

Tiếp theo Bộ Công thương là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo kế hoạch, Bộ sẽ bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (gồm bãi bỏ 65 và sửa đổi 53 điều kiện) trong tổng số 345 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ (tương đương 34,2%). Tuy vậy, cho đến nay, những điều kiện kinh doanh Bộ đề xuất sửa đổi chưa có phương án sửa đổi cụ thể.

Bộ Xây dựng cũng đã có nỗ lực cải cách đáng kể, thực chất về môi trường kinh doanh nói chung và điều kiện kinh doanh nói riêng. Cụ thể Bộ đã đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư nhưng được quy định các Nghị định do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.

Bộ cũng đề xuất bãi bỏ 6 ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14 không đáp ứng tiêu chí tại Điều 7 của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tư pháp tại Báo cáo thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật số 360/BC-BTP ngày 29/11/2017, Bộ Tư pháp đề nghị giữ lại 2 ngành nghề . Do vậy, tiếp thu ý kiến thẩm định, Bộ Xây dựng đã đề xuất bãi bỏ 4 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và thay bằng hình thức quản lý khác.

Ngoài ra, Bộ đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%) tổng số 215 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Các đề xuất bãi bỏ nêu trên dự kiến đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị (đối với các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đang được quy định tại Luật) và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng (đối với các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đang được quy định tại Nghị định).

Hiện tại, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan và trình thẩm định; dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 1.

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, năm qua Bộ cũng đã thực hiện rà soát điều kiện kinh doanh, đề xuất cắt giảm, sửa đổi 51 điều kiện kinh doanh (đạt 16%), nhưng chưa có phương án sửa đổi cụ thể đối với các điều kiện kinh doanh sửa đổi.

Còn với Ngân hàng Nhà nước, do tính chất đặc thù của các tổ chức tín dụng so với hoạt động của các loại hình doanh nghiệp khác và do tính chất rủi ro cao của hoạt động ngân hàng, đơn vị này đã đề nghị duy trì các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng.

10 Bộ vẫn chưa nhập cuộc

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù đã có những nỗ lực cắt giảm tuy nhiên các Bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, nhiều điều kiện về quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa được quy định thành điều kiện kinh doanh.

Các quy định về điều kiện chung (như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; yêu cầu về phòng cháy chữa cháy; môi trường; an toàn lao động… mặc dù đã được quản lý bởi các cơ quan như Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Môi trường, Lao động, Thương binh và xã hội… nhưng các Bộ khác vẫn quy định quản lý cả những điều kiện này.

Một số Bộ vẫn còn giữ lại những điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc được quy định chung chung, không rõ ràng, không cụ thể.

Trong số điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ, sửa đổi thì khoảng 1/2 số điều kiện thuộc diện sửa đổi. Có điều kiện sửa đổi chỉ đơn thuần diễn đạt lại từ ngữ, chưa thực chất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Dù vậy, những nỗ lực của 5 Bộ ngành nêu trên là rất đáng hoan nghênh.

Hiện, còn 10 bộ ngành khác (gồm: Tài chính, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và xã hội, Công an, Quốc phòng, Tư pháp), đến nay vẫn chưa có thông tin về việc rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành này.

Tin mới lên