CEO Bùi Hải An: 32 tuổi và 3 lần khởi nghiệp

Kim Yến - 07/02/2018 18:15 (GMT+7)

Dù đã có 2 startup thành công là TGM Corporation và Silicon Strais Saigon (SSS), song CEO Bùi Hải An, năm nay 32 tuổi, vẫn quyết tâm tiếp tục khởi nghiệp lần thứ 3 với mục tiêu đầu tư phát triển phần mềm đúng nghĩa.

VNF
Bùi Hải An (bên trái) và Silicon Strais Saigon. Ảnh: Vietnam Centre Point

Bên cạnh đó, Bùi Hải An còn là người xây dựng nên CognitoCRM - giải pháp quản lý khách hàng và tự động hóa marketing cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Là một trong 6 startup được chọn để trình diễn phần mềm của mình cho cựu Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm Việt Nam, CEO Bùi Hải An đã khởi nghiệp lần thứ ba với MSV, với quyết tâm đầu tư phát triển phần mềm đúng nghĩa.

SSS đã được 7-Eleven chọn để hoàn thiện phần mềm cho chuỗi cửa hàng tiện lợi khi đổ bộ vào Việt Nam, cách làm khác biệt nào đã giúp anh tạo hiệu quả cho 7-Eleven?

Lúc đó, 7-Eleven đang muốn trở thành công ty có phần mềm mạnh nhất trong các chuỗi bán lẻ, họ đứng giữa hai lựa chọn: Một là mua lại công nghệ của Nhật, hai là làm lại từ đầu. Tuy nhiên, hệ thống của Nhật đã lỗi thời, nếu có mua thì mọi thứ đều phải đợi và chi phí lại cao. Trong khi đó, mức độ sử dụng công nghệ của người dùng Việt Nam đã cao hơn nhiều.

Khác với các công ty chuyên bán phần mềm có sẵn, chúng tôi đã xây dựng một đội ngũ gồm 40 người để viết phần mềm riêng cho 7-Eleven với mục tiêu là sẽ đi lâu dài với chuỗi cửa hàng bán lẻ này. Tôi phải đứng trên vai trò của một nhà kinh doanh để từ đó tìm ra vấn đề của công ty đối với phần mềm. Phải thực sự hiểu hệ thống phân phối đang vận hành thế nào, để chính mình tự viết yêu cầu kỹ thuật cho công ty, thì lúc đó mới phù hợp.

Làm ứng dụng khách hàng thân thiết hiện chỉ có Vinmart và 7-Eleven thôi. Làm app phải kết hợp với việc bán sản phẩm ở dưới cửa hàng. Người nhân viên phải thích nghi với app, không phải cứ có app là biết xài ngay, mà phải đi cùng mục tiêu kinh doanh của 7-Eleven.

Xét về bản chất, SSS là bộ phận về công nghệ của 7-Eleven, nên mới kết hợp được giữa công nghệ và digital marketing, giúp mình nhìn tổng thể và có đất diễn đầy đủ. Mọi người cực kỳ ngạc nhiên khi lễ khai trương cửa hàng 7-Eleven có tiếng vang lớn như vậy. Chúng tôi phải xây dựng từ mấy tháng trước, làm khác người ta, mới tạo ra hiệu ứng tốt.

May mắn là chúng tôi được đặt đúng vai trò, được tin tưởng. Chúng tôi không chỉ đơn thuần là nhà cung cấp dịch vụ mà là hợp tác lâu dài, mạnh mẽ với 7-Eleven. Trong khi đó, hầu hết đối thủ cạnh tranh chỉ mua công nghệ về xài, khó đi sâu vào kinh doanh. Quan trọng là có dự án tốt, có mục tiêu thú vị.

Tôi đưa cho các bạn trẻ mục tiêu xây dựng hệ thống bán lẻ thông minh nhất Việt Nam. Mục tiêu đó giúp thu hút được những bạn trẻ đầy tâm huyết và giỏi nghề. Nhiệm vụ đặt ra đối với các bạn là phải tự viết yêu cầu kỹ thuật cho công ty, tự xây dựng yêu cầu, phát triển nó lên. Đây là môi trường tốt cho các kỹ sư công nghệ.

Được biết trước đây, SSS cũng đã tư vấn cho hãng taxi Indonesia Bluebird, để giải bài toán cạnh tranh khốc liệt giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ?

Câu chuyện này xảy ra trước khi Grab và Uber đến Việt Nam. Cuộc chiến bên Indonesia khốc liệt hơn nhiều. Thế mạnh của Bluebird là sở hữu 35.000 xe và có bến bãi y như Vinasun, Mai Linh bây giờ. Khi Grab và Uber đổ bộ vào Indonesia, cổ phiếu của Bluebird rớt thê thảm.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra với chúng tôi là lý do gì khách hàng không xài Bluebird mà lại dùng Uber, Grab? Bóc tách những tính năng về sự thuận tiện, về giá cả, về độ tin tưởng… để giải quyết chuyện mà taxi truyền thống không có bằng công nghệ.


Theo anh, vì sao bây giờ Mai Linh, Vinasun cũng có app, cũng có công nghệ, nhưng khách hàng vẫn không dùng nhiều?

Cách đây 2 năm, khi làm việc với Bluebird, chúng tôi đặt công nghệ thành một phần trong chiến lược và có ảnh hưởng tới mọi chiến lược chung. Mới đầu, họ chưa nghĩ chúng tôi có thể giúp được nhiều.

Bluebird cũng là công ty gia đình và có người cháu đi học nước ngoài về, tư tưởng rất mở. Trong quá trình làm việc, chúng tôi bắt đầu đặt câu hỏi, nhưng bạn ấy không trả lời được, chỉ đáp: "Những điều này phải để Hội đồng quản trị trả lời". Nhưng trước giờ chưa có ai trong Hội đồng quản trị là dân công nghệ hết, cũng chưa có ai đứng ra dám thách thức họ phải làm cái này cái kia.

Họp với Hội đồng quản trị của Bluebird hàng tháng trời để bàn xem kinh doanh đi về đâu. Ban đầu họ rất bảo thủ, mình phải kiên trì giải thích, vì Hội đồng quản trị toàn những ông bà tỷ phú, triệu phú. Dù rất "khớp", nhưng tinh thần của cả đội rất mạnh mẽ, vì đều thích thử thách.

Cũng giống Vinasun, taxi truyền thống Bluebird phải đóng thuế, trả lương tài xế, thậm chí tài xế không rành công nghệ. Tôi liệt kê hết các vấn đề, trên xe có đồng hồ rồi, mình phải kết nối với đồng hồ để tính tiền đúng chứ không ước chừng như Grab và Uber.

Trước giờ mọi người chưa hình dung nếu lên taxi rồi mới mở app ra để thấy mọi chuyện thì sao? Chúng tôi giải quyết được vấn đề này, để khách hàng biết ông tài xế là ai, đánh giá sao được liền. Còn Vinasun và Mai Linh chưa làm được điều đó.

Nếu bây giờ, anh được ngồi cùng Hội đồng quản trị Vinasun, Mai Linh, anh sẽ làm gì?

Với sự may mắn là thấy được cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ ở các thị trường khác, đầu tiên, tôi muốn giúp Hội đồng quản trị của Vinasun hoặc Mai Linh có được cách hiểu đúng về công nghệ. Từ đó sẽ cùng nhau xây dựng một chiến lược công nghệ đặc trưng cho mình, chứ không phải chạy theo các công ty taxi công nghệ khác về mặt tính năng (mà chắc chắn là sẽ không chạy kịp).

Chiến lược và chiến thuật cụ thể sẽ tùy tình hình, năng lực sẵn có và quan trọng hơn là tầm nhìn tương lai của các công ty. Tuy nhiên, vai trò chính của chúng tôi sẽ cố gắng để đưa thêm các góc nhìn, cũng như tạo ra những cuộc thảo luận chiến lược về công nghệ như là một vũ khí để cạnh tranh, nhưng cần dùng một cách phù hợp.

Nghe đâu anh đã bán team này cho một công ty taxi công nghệ khác?

Đầu năm ngoái chúng tôi bị ngưng dự án đó dù đã giúp được Bluebird nhiều, nhưng cuối năm họ chần chừ chưa biết ký tiếp với chúng tôi như thế nào. Chúng tôi lập tức phải tính đường khác ngay.

Thời điểm đó chúng tôi cũng tranh luận rất nhiều có nên bán không? Cũng khó quyết định vì ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Team 25 người, toàn kỹ sư xịn, lương mỗi tháng hơn 1 tỷ. Nếu dự án dừng lại không có tiền trả lương, ảnh hưởng thu nhập các bạn.

4 bạn sáng lập quyết định cuối cùng sẽ bán. Bán không vui lắm, vì nếu tiếp tục với BlueBird sẽ vui hơn, nhưng họ chần chừ, chậm chạp… Một cách nào đó, đứng ở góc độ một cổ đông, mình không thể ngăn chặn quyết định này.

Công việc ở SSS đang tiến triển tốt, vì sao anh lại muốn khởi nghiệp lần thứ ba với MSV, số hóa mọi hoạt động của nhân sự và phúc lợi? Phải chăng anh là người thích của lạ?

SSS hoàn thành sứ mệnh của nó rồi. Lập ra năm 2013, tạo ra sân chơi cho các lập trình viên có thể tham gia các dự án quốc tế, thời điểm cao nhất lên đến 200 người, các bạn phát triển kỹ năng lên rất nhanh, từ 3 đến 4 năm là khác hẳn. Hiện SSS có các bạn đứng quản lý, điều hành thay tôi rồi. Tôi chỉ tạo không gian cho các bạn làm tiếp.

Tôi cảm thấy chuyện làm dịch vụ cũng đủ rồi, muốn cho mình thử thách mới. Làm công ty công nghệ, tự xây dựng sản phẩm, tự đi bán…Quay lại định hướng nghề nghiệp, ở góc độ khởi nghiệp, có thất bại, có thành công, bán được công ty tầm hơn 1 triệu USD, chia lại cho anh em hết, tôi bắt đầu tự hỏi với bản thân là mình muốn thử thách điều gì tiếp?

Trước đây tôi chỉ là dân kỹ sư thuần túy, sau 5 năm tôi học được đủ thứ, xây dựng một công ty ban đầu 6 người, hai năm sau phát triển lên 100 người. Tôi học được cách quản trị thế nào, xây dựng văn hóa và thay đổi hướng đi khi xu hướng thay đổi, học cách giải quyết để đi tiếp, học kỹ năng bán hàng. Đặc biệt tôi biết cách marketing cho doanh nghiệp tốt hơn.

Chặng đường mới, tôi muốn thử thách bản thân. Tôi vừa là CEO, vừa vận hành, vừa làm nhân sự, cũng như những sản phẩm khởi nghiệp trước giờ được ấp ủ và xây dựng từ những quan sát thực tế, đặc biệt đến từ những "vấn đề" mà chính bản thân mình đang gặp.

Là chủ doanh nghiệp, việc có thể cung cấp những phúc lợi và quyền lợi hấp dẫn cho nhân viên luôn là một nỗi lo thường xuyên, nhất là trong môi trường kinh doanh cực kỳ cạnh tranh như hiện tại. Hơn nữa, thường bộ phận nhân sự và hành chính của các công ty lại ít có cơ hội tiếp cận các giải pháp công nghệ để giúp cho công việc của mình dễ dàng và hiệu quả hơn.

Ngoài ra còn một yếu tố phát triển của các hình thức thanh toán mới như thanh toán qua QR Code, giúp cho việc triển khai một giải pháp kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Từ đó tôi mới xây dựng nên giải pháp về phúc lợi cho nhân viên, để giúp các bộ phận nhân sự và hành chính cung cấp nhiều dạng phúc lợi phong phú, hấp dẫn. Và quan trọng hơn hết, cực kỳ dễ sử dụng và giảm thiểu rất nhiều công việc giấy tờ liên quan.

Để hiện thực hóa nó, anh cùng bạn sáng lập viên phải trải qua những thử thách lớn nào ở phía trước?

Bất kỳ ý tưởng nào cũng sẽ đi kèm hàng loạt những thử thách liên quan đến lĩnh vực mình đang xông pha vào. Với sản phẩm hiện tại tôi đang xây dựng và sẽ tung ra khoảng tháng 3 năm nay thì một trong những thử thách đến từ việc phải đi thuyết phục các đơn vị cung cấp dịch vụ (merchant) để cho mình kết nối vào hệ thống bán hàng của họ.

Ngoài ra, thử thách từ việc xây dựng một giải pháp công nghệ cực kỳ dễ sử dụng và có tính tự động hóa cao, trong một thời gian ngắn cũng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và cần có một đội ngũ nhạy bén. Thử thách lớn nhất là luôn đảm bảo mình cung cấp không chỉ đúng mà phải làm tốt hơn mong đợi từ các anh chị quản lý nhân sự, tức là phải trao đổi liên tục và thường xuyên, đồng thời đọc được cả những mong muốn chưa được diễn đạt bằng lời để có thể đưa lại những "bất ngờ" trong quá trình họ sử dụng sản phẩm của mình.

Trong thời đại công nghệ, nhân sự có là một ngành của tương lai, là thách thức lớn gây ra khủng hoảng doanh nghiệp?

Nhân sự luôn là một thách thức lớn cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Thời đại công nghệ, hay chính xác hơn là thời đại của kết nối và thông tin đang làm cho thị trường "nhân tài" trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Cho nên nếu công ty không làm đúng thì khó mà thu hút được nhân tài, cũng như giữ chân những nhân tài hiện có.

Ngoài ra, việc tạo cơ hội và điều kiện phát triển, học tập cho nhân sự để theo kịp sự thay đổi chóng mặt của tất cả các ngành đang diễn ra cũng là một thách thức rất khó cho chủ doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi chính bản thân các doanh nhân phải đi nhanh, đi trước đón đầu, hoặc phải tận dụng những sự hỗ trợ khác nhau để chính bản thân mình không lạc hậu, từ đó mới vạch ra được chiến lược cho đội ngũ của mình luôn đổi mới và sáng tạo nhằm giữ được sức cạnh tranh cần thiết.

Nhìn vào đội ngũ 30 nhân vật khởi nghiệp được Forbes bình chọn, anh đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ trong làn sóng mới này?

Trong đội ngũ 30 nhân vật của Forbes Under 30, tôi nhận thấy có đến 1/3 các bạn đang làm việc liên quan trực tiếp đến công nghệ, bên cạnh đó những bạn làm các công tác xã hội cũng theo cách thức công nghệ hóa rất nhiều. Tôi thấy điều này là hiển nhiên vì công nghệ gần như là một phần không thể tách rời trong tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội đang diễn ra.

Một trong những lý do đơn giản nhất là công nghệ đang giúp cho các bạn có cách tiếp cận nhanh nhất đến các đối tượng mình muốn phục vụ, cho dù đó là khách hàng, người hâm mộ hay những nhóm xã hội, hay các đối tượng cần tiếp cận giáo dục…

Nói một cách khác, nếu không có công nghệ, sức ảnh hưởng của các bạn sẽ khó có thể đạt được như hiện tại.

Để tạo nên thành công đột phá trong khởi nghiệp, ngoài vai trò của công nghệ, cần một tố chất khác biệt như thế nào về tư duy, về hiểu biết trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật?

Công nghệ về bản chất cũng chỉ là một ngành trong nhiều ngành khác, và bản thân công nghệ luôn là yếu tố hỗ trợ khai phá (enabler) cho những phát minh, sáng kiến trong các lĩnh vực còn lại. Có thể dễ nhận ra các bạn làm về công nghệ vô tình có luôn được tư duy suy nghĩ hệ thống, và nó giúp cho các bạn có thể nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn, sắp xếp được các yếu tố liên quan phù hợp, thậm chí học nhanh hơn các lĩnh vực khác nếu muốn. Rồi từ đó kết hợp các yếu tố từ nhiều lĩnh vực để làm nên sự đột phá cho mình.

Ví dụ gần gũi nhất đến từ ý tưởng khởi nghiệp hiện tại của tôi, nó đến từ kinh nghiệm về quản lý nhân sự, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và kinh nghiệm vận hành. Khi đó tôi dùng công nghệ để hiện thực hóa, tự động hóa và cá nhân hóa những công việc đúng ra phải làm thủ công trước giờ.

Liệu họ có trở thành "thế hệ millennial" như mọi người kỳ vọng?

Thay vì chỉ kỳ vọng vào một nhóm người nhỏ, tôi nghĩ câu hỏi mọi người nên đặt ra là làm sao để xây dựng cả một thế hệ đột phá. Những bạn trong Forbes Under 30 là những tấm gương sáng để truyền cảm hứng, nhưng sự đột phá cho Việt Nam phải đến từ hàng triệu bạn trẻ khác cũng dấn thân và làm nên sự khác biệt.

Khởi nghiệp ở tuổi đời ngoài 30, liệu anh còn giữ được sự sẵn sàng mạo hiểm, đặt tiêu chuẩn cao cho chính mình?

Với độ tuổi hiện tại, tôi nghĩ mình vẫn chỉ mới bắt đầu. Hầu hết các nhà sáng lập và CEO của các công ty công nghệ thành công thật ra đều trong khung tuổi 45-50 tuổi, chứ không phải là các bạn trẻ 20-30 như mọi người thường thấy và hiểu sai qua truyền thông. Hơn nữa với tôi, khởi nghiệp cũng là một nghề nghiệp như bao nghề khác. Nó không thiêng liêng hơn, cao quý hơn, và tất nhiên cũng cần sự trưởng thành theo thời gian như tất các cá nghề khác.

Sự mạo hiểm, đặt tiêu chuẩn cao, có tham vọng, luôn sáng tạo,… là những tính chất đi kèm của nghề này. Do đó tôi vẫn phải giữ ở mức hợp lý.

Cái thay đổi là góc nhìn của mình về cuộc sống, sự trải nghiệm và cả những trách nhiệm khác (ví dụ như gia đình) cần được cân bằng. Một sự quyết định hay lựa chọn ở độ tuổi này chắc chắn sẽ khác hơn cách đây 10 năm khi tôi mới bắt đầu, bởi vì bây giờ mình đã có thể nhìn xa cũng như cảm nhận sâu hơn với các vấn đề. Đó là cái tôi tích lũy được sau gần 10 năm theo nghiệp kinh doanh.

Vậy cuối cùng, mục đích sống của anh là gì?

Luôn hướng tới những thay đổi tích cực mỗi ngày. Đầu tiên là cho bản thân mình, những người xung quanh, các bạn cộng sự và xa hơn là xã hội. Đó là lý do tôi lựa chọn xây dựng các công ty với mục tiêu đầu tiên là tạo ra môi trường làm việc và phát triển cho các bạn, đồng thời xây dựng nên những sản phẩm và dịch vụ có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho khách hàng và đối tác của mình.

Hạnh phúc đối với tôi là khi thấy được những nỗ lực của mình giúp cho mọi thứ xung quanh được tốt hơn mỗi ngày. Từ đó, lựa chọn sẽ làm gì khi đứng trước các quyết định quan trọng luôn trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Theo DNSG
Cùng chuyên mục
Tin khác